Đề xuất NHNN quyết cho vay đặc biệt lãi suất 0%, không tài sản đảm bảo – Vì sao?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông tin về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) để luật hóa một số quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD để luật hóa một số quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 trên các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn cũng như chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, kịp thời xử lý các vướng mắc, khó khăn của người dân và doanh nghiệp thông qua việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn, nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước thông tin về dự án.

Trong đó, có nội dung bổ sung về việc việc điều chỉnh thẩm quyền cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Nợ xấu tăng, cấp bách hoàn thiện pháp lý xử lý nợ xấu
Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng đang là áp lực đối với lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt đặt trong bối cảnh hiện tại khi năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021-2025 và Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để đất nước ta tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.
Nguyên nhân nợ xấu gia tăng chủ yếu do (i) Kinh tế toàn cầu còn nhiều rủi ro và thách thức; kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, chịu tác động khó lường của tình hình thế giới và diễn biến phức tạp của thiên tai; (ii) Thị trường chứng khoán, trái phiếu, thị trường bất động sản phục hồi còn chậm; (iii) Thị trường mua bán nợ chưa phát triển như kỳ vọng; một số nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14 chưa được luật hóa đã ảnh hưởng đến việc xử lý, thu hồi nợ của một số TCTD và tổ chức mua bán, xử lý nợ; (iv) Năng lực quản trị của một số TCTD còn bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng và mức độ rủi ro, NHNN cho biết.
Theo NHNN, ngày 11/02/2025, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị lấy đòn bẩy ngân hàng để phát huy, khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực, xung lực mới trong phát triển đất nước; đồng thời, để ngành ngân hàng tăng tốc, bứt phá trong năm 2025 và thời gian tới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp ngành ngân hàng và các ngân hàng thương mại cần tập trung thực hiện, trong đó bao gồm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan trong hệ thống chính trị trên tinh thần vì sự phát triển chung.
Cơ sở thực tiễn và chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng hướng đến sự cần thiết bổ sung quy định về việc việc điều chỉnh thẩm quyền cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm – vai trò của cơ quan quản lý tiền tệ của Chính phủ.
Tại Thông báo số 61/TB-VPCP ngày 25/02/2025 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng kiểm soát lạm phát, Thường trực Chính phủ giao NHNN “khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, trong đó có việc luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo đúng quy định pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn, nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 02 năm 2025, để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9″.
Tại Tờ trình số 270/TTr-CP ngày 22/5/2023, Chính phủ đề xuất Quốc hội quy định tại dự thảo Luật: NHNN quyết định các khoản TCTD vay đặc biệt NHNN. Lãi suất cho vay đặc biệt của NHNN là 0%/năm. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội (tại Thông báo số 3267/TB-TTKQH ngày 11/01/2024 và số 3285/TB-TTKQH ngày 14/01/2024) và các Đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Luật Các TCTD năm 2024 với quy định về thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt tại Điều 193; trong đó, khoản 4 quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay đặc biệt của NHNN đối với khoản vay có lãi suất là 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm đối với TCTD trên cơ sở đề xuất của NHNN.
Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 08/3/2025 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2025, Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương “khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, trong đó có việc luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD theo đúng quy định pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn, nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD, báo cáo Chính phủ trong tháng 3 năm 2025, để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9”.
Tại điểm 2 công văn số 2923/VPCP-KTTH ngày 08/4/2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo NHNN “Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi các nội dung quy định về thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có TSBĐ tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD nêu trên, theo đó, nghiên cứu quy định theo hướng phân cấp, phân quyền, giao NHNN xem xét, quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có TSBĐ để phù hợp với thực tiễn, bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, an ninh, an toàn hệ thống các TCTD, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí và vi phạm pháp luật.
Khơi thông dòng vốn, đảm bảo cân bằng nguồn vốn, lợi ích
NHNN cho biết việc tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là TCTD), tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền hợp pháp của mình trong việc xử lý nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn cũng như tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp.

Việc sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của NHNN theo hướng chuyển thẩm quyền quyết định từ Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp khoản cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, khoản cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm) thành NHNN nhằm triệt để phân cấp, phân quyền cho NHNN trong việc quyết định cho vay đặc biệt; tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của thành viên Chính phủ. Điều này nhằm triển khai đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng thời, quy định này giúp giảm bớt khâu trung gian trong quá trình triển khai thực hiện; từ đó, góp phần rút ngắn thời gian xử lý bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống các TCTD, theo cơ quan quản lý ngành ngân hàng.
Đối với quan điểm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng, NHNN thông tin: Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác xử lý nợ xấu. Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã phát huy tốt hiệu quả khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực, trong đó bao gồm: (i) luật hóa quy định về quyền thu giữ TSBĐ; (ii) luật hóa quy định về kê biên TSBĐ của bên phải thi hành án; (iii) luật hóa quy định về hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự và bổ sung quy định về hoàn trả TSBĐ là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Việc luật hóa các quy định này được thực hiện dưới hình thức Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD.
Cùng với đó, 03 chính sách được luật hóa phải được xác định rõ ràng nội dung và đánh giá tác động cụ thể; đồng thời đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật.
Theo NHNN, việc sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có TSBĐ đảm bảo việc tổ chức thực hiện kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, an ninh, an toàn hệ thống các TCTD, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí và vi phạm pháp luật.
Quy định đảm bảo sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các thỏa thuận, cam kết của Việt Nam; đảm bảo mục tiêu hội nhập quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển, NHNN khẳng định.
– Diễn đàn Doanh nghiệp