Đấu thầu vàng bị “ế”: Doanh nghiệp lo ngại “rủi ro”
Chuyên gia đánh giá, việc 3 phiên đấu thầu vàng thì có đến 2 phiên bị hủy và 1 phiên “ế” đã cho thấy giải pháp này chưa hiệu quả, thậm chí có những yêu cầu bất hợp lý, làm khó doanh nghiệp.
“Thất bại” đấu thầu vàngTheo đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã hủy đấu thầu phiên đấu thầu vàng sáng 25/4 do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu. Trước đó, để chuẩn bị cho phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng ngày 25/4, Ngân hàng Nhà nước thông báo giá tham chiếu 82,3 triệu đồng lượng, khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng.
Để trở thành thành viên đấu thầu, doanh nghiệp phải đặt cọc tỷ lệ 10% khi tham gia đấu thầu. Bên cạnh đó khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô tương đương 1.400 lượng, khối lượng tối đa là 20 lô, tương đương 2.000 lượng. Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô tương đương 100 lượng.
Ngân hàng Nhà nước cũng quy định mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố. Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (TP Hà Nội). Địa điểm giao nhận vàng tại Chi cục phát hành và kho quỹ – Ngân hàng Nhà nước, tại TPHCM.
Trở lại với câu chuyện đấu thầu vàng, vào ngày 23/4 Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức phiên đấu thầu vàng đầu tiên và chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia mua vàng với khối lượng rất ít là 3.400 lượng vàng trên tổng số 16.800 lượng vàng Ngân hàng Nhà nước muốn đưa ra. Từ kết quả phiên đấu thầu vàng ngày 23/4 đạt thấp cũng như việc phải hủy bỏ phiên đấu thầu vàng vào ngày 25/4, có thể thấy rằng, các kỳ vọng cũng như mục tiêu đưa ra từ việc đấu thầu vàng là chưa như mong muốn.
Doanh nghiệp lo ngại rủi ro
Trao đổi về câu chuyện này, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ) cho rằng, giá đưa ra đấu thầu vàng cao nên thành viên không tham gia. Nếu không có sự thay đổi về giá đấu thầu cũng như điều chỉnh khối lượng thì khó có thể thành công trong mục tiêu tăng nguồn cung vàng ra thị trường.
“Quan sát giá vàng trên thị trường trước phiên đấu thầu, giá mua vào giảm xuống dưới 80 triệu đồng/lượng; nhưng từ thời điểm đấu thầu đến nay, giá không ngừng biến động vài triệu đồng mỗi lượng. Thị trường đang quan sát giá đấu thầu bao nhiêu và từ đó có mức điều chỉnh phù hợp. Những người đang nắm giữ vàng hiện nay chưa vội bán, và nếu bán thì cũng mong bán giá cao, bởi giá đấu thầu đưa ra không hề thấp”, ông Trọng nói, và cho rằng với những phiên đấu thầu liên tục bị hủy thì khó có thể kéo giá vàng giảm khi nguồn cung vàng trên thị trường chưa được đáp ứng.
Đồng quan điểm, một lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, hiện tại giá vàng trên thế giới biến động mạnh, trong khi đó giá vàng trong nước phụ thuộc vào biến động của giá vàng thế giới. Do đó, sẽ có những doanh nghiệp ngại “bỏ cục tiền, ôm rủi ro”.
Cần hài hoà lợi íchPhân tích từ góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng điều kiện tham gia đấu thầu với khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng là quá cao.
Theo ông Long, theo thời giá thị trường, giá vàng SJC ở mức 81 triệu đồng/lượng, tương đương số vốn bỏ ra khoảng 100 tỷ đồng. Hiện Việt Nam có 38 đơn vị kinh doanh vàng, rất ít doanh nghiệp có đủ tiềm lực với số tiền đó bỏ ra để đấu thầu. Trên thực tế, chỉ có các ngân hàng thương mại có đủ nguồn lực về tài chính tham gia. Như vậy, điều kiện tham gia chưa công bằng, bình đẳng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ có lợi cho các ngân hàng thương mại.
Đồng quan điểm và chia sẻ tiếp về nội dung này, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), một số thông tin được đưa ra khiến cho doanh nghiệp thấy Ngân hàng Nhà nước luôn ở thế thắng. Chẳng hạn như, sau khi đấu thầu, nếu không đủ vàng, Ngân hàng Nhà nước được quyền hủy kết quả, như vậy, rủi ro đối với các đơn vị đấu thầu là rất lớn.
Cũng theo ông Thịnh, chưa kể, qua thông tin được phát ra thì không biết nếu trúng thầu vàng thì sau bao lâu Ngân hàng Nhà nước giao vàng cho doanh nghiệp. Bản thân khi tham gia đấu thầu mức giá trên 80 triệu đồng/ lượng, vậy trong thời gian chờ vàng về, giá vàng sẽ biến động ra sao? Nhận vàng về doanh nghiệp còn phân bổ cho các đầu mối, rồi mới đưa ra kinh doanh. “Như vậy, doanh nghiệp nhận thấy biên độ rủi ro rất lớn, do đó hầu như doanh nghiệp không mặn mà với đấu thầu vàng”, ông Thịnh chia sẻ.
Theo một số chuyên gia, nếu Ngân hàng Nhà nước theo đuổi quan điểm là tăng cung vàng ra thị trường bằng việc tiếp tục đấu thầu vàng, cơ quan này nên giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu mà một đơn vị được phép đặt thầu là xuống 500 lượng, thậm chí 300 lượng. Đồng thời, xem xét mức giá cọc, giá sàn cho các đối tượng tham gia đấu thầu. Theo đó, mức giá hợp lý chỉ nên “vênh” từ 3 – 5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, thay vì “bám” theo giá mua – bán SJC tại thị trường trong nước như hiện nay. Bởi mức “giá mềm” sẽ hấp dẫn các đơn vị kinh doanh vàng tham gia vào phiên đấu thầu, tăng cung cho thị trường, đảm bảo Nhà nước vẫn có lãi và mục tiêu hạ nhiệt giá vàng trong nước mới đạt được.
Đưa ra quan điểm góp ý, GS.TS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần đánh thuế hoạt động đầu tư vàng, mức thuế suất phải hợp lý để phát triển thị trường vàng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – doanh nghiệp – nhà đầu tư.
Theo ông Đạt, mọi hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ đều phải có hóa đơn, chứng từ ghi nhận giao dịch. Trước đây, hóa đơn được thực hiện bằng bản giấy, kể từ ngày 15/7/2022 được thực hiện bằng hóa đơn điện tử. “Ngay cả hoạt động kinh doanh xăng dầu bán lẻ, kể từ ngày 1/4/2024 bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử. Nếu mua bán vàng mà không thực hiện thì không công bằng với các mặt hàng khác”, ông Đạt nhấn mạnh.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn