Dấu ấn văn hóa Việt từ nghệ thuật hội họa

Sứ mệnh cao cả của người họa sĩ là thể hiện được nét đẹp tâm hồn và giữ gìn văn hóa dân tộc trong mỗi tác phẩm, mang theo thông điệp về hòa bình, hữu nghị và bảo vệ tài nguyên.

Đây là chia sẻ của Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức với Diễn đàn Doanh nghiệp.

– Thưa bà, rất nhiều họa sĩ hiện nay đã chọn  hướng đi riêng nhưng trong đó không tách rời văn hóa đời thường và nét đẹp văn hóa, bà có quan điểm như thế nào?

Dấu ấn văn hóa Việt từ nghệ thuật hội họa
Họa sĩ Kim Đức

Nền hội họa Việt Nam có nhiều thay đổi, đặc biệt ở nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Cùng với tư duy, cá tính đa dạng của người nghệ sĩ đã tạo nên sự biến đổi mạnh mẽ trong giai đoạn hội nhập. Nhiều họa sĩ đã chọn cho mình nhiều ý tưởng và chủ đề khác nhau trong tranh để thổi hồn vào đó những nét đẹp đời thường, dấu ấn văn hóa. Ví dụ như hình tượng hoa sen trong nhiều tác phẩm hội họa, một loài hoa quen thuộc với cuộc sống đời thường, gắn bó trong tâm thức và văn hóa truyền thống Việt Nam. Cũng là Cầu Thê Húc, Cố Đô Huế, cô gái Thái hay cũng là hoa sen, hoa quỳnh… nhưng các họa sĩ đã chọn vẽ trên nhiều chất liệu khác nhau, thể hiện những phong thái và tâm tư nguyện vọng khác nhau nhưng đều mong muốn gửi vào đó một hơi thở mới cho nét đẹp tinh hoa  và thuần khiết này.

Nhìn từ góc độ cá nhân, dù từng được vinh danh trên tạp chí nổi tiếng thế giới Forbers nhưng trải qua căn bệnh hiểm nghèo và trầm cảm, tôi đã chọn lối sống chậm hơn khi vẽ tranh sen để tặng cho bệnh viện và những bệnh nhân ung thư để tự chữa lành cho chính mình, động viên những người xung quanh với tinh thần lạc quan và hạnh phúc. Từ đây, tôi đã dày công nghiên cứu tất cả các loại sách trong nước và quốc tế, những cuốn sách cổ, tôi nhận ra rằng sen đã ăn sâu vào trong tâm hồn mỗi người Việt Nam, trở thành một món quà tình thần, là nét đẹp tín ngưỡng hàng ngàn năm của dân tộc. Và sen còn được đón nhận như một sự thanh cao, một vẻ đẹp thuần khiết gắn với tín ngưỡng Phật Giáo… Do đó, tôi mong muốn mỗi bức tranh sen của mình đều thể hiện được sự tươi vui từ cuộc sống đời thường nhưng vẫn mang đến một thông điệp về bảo vệ môi trường tự nhiên qua hình tượng quốc hoa Việt Nam.

Dấu ấn văn hóa Việt từ nghệ thuật hội họa

“Sen là quốc hoa của Việt Nam, mang vẻ đẹp thuần khiết của tinh thần lao động và văn hóa truyền thống Việt Nam”

Theo đó, tôi muốn nói rằng, tinh hoa văn hóa là điều không thể tách rời trong mỗi tác phẩm, điều đó thể hiện tâm hồn và lối vẽ riêng của mỗi người họa sĩ. Nhưng tất cả đều làm bừng sáng dấu ấn văn hóa từ những tác phẩm hội họa. Hơn hết, trong xu thế hội nhập hiện nay, nghệ thuật hội họa càng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy và lan tỏa đến cộng đồng trong nước và quốc tế về nét đẹp văn hóa Việt Nam.

– Như vậy, sứ mệnh của người họa sĩ với tinh hoa dân tộc được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa bà?

Từ chính mình, tôi nhận thấy rằng, vai trò của người họa sĩ là phải giữ được sự trong sáng đó. Phải mang được thông điệp trên mỗi tác phẩm, lan tỏa giá trị và giữ gìn được hồn cốt dân tộc, tinh hoa, làm bừng sáng kỳ ức di sản, tinh hoa văn hóa Việt từ nghệ thuật hội họa. Có thể biểu hiện cụ thể ở ba yếu tố:

Thứ nhất, sứ mệnh của người họa sĩ là vẽ để lan tỏa giá trị sống tích cực. Vẽ để giúp người khác cảm thấy thế giới này đang trải qua những ngày tươi đẹp. Có thể vẽ từ những điều thấy trong sách vở, quan sát trong vẻ đẹp thiên nhiên,… để đổi lại tất cả những nụ cười của người lao động và lấy đó làm thông điệp cho chính tác phẩm của riêng cho mình gửi đến cộng đồng.

Thứ hai, sứ mệnh trân trọng thiên nhiên và bảo vệ tài nguyên môi trường trước xu thế hội nhập. Ngày càng có nhiều hoạt động từ du lịch và kinh doanh khác tác động trực tiếp đến môi trường, thải chất thải rắn với số lượng lớn… Do đó, người họa sĩ không chỉ vẽ lên những những bức tranh tươi đẹp mà còn phải vẽ được những hiện thực để mang theo thông điệp ý nghĩa giảm thiểu ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Thứ ba, sứ mệnh gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc trước bối cảnh hội nhập toàn cầu và ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0, tương lai của AI và Blockchain đã đi vào hầu hết hoạt động của con người, làm thay đổi thói quen và cách trải nghiệm cuộc sống.
Tôi đã hoàn thành 75 bức tranh sen trong 3 năm với tinh thần triết lý Phật giáo, mang theo thông điệp ý nghĩa sống hạnh phúc. Tôn vinh những vẻ đẹp sáng tạo về nghệ thuật cũng như gìn giữ và nuôi dưỡng sự bình yên trong tâm hồn, hướng đến tầm nhìn chung của UNESSCO chính là kiến tạo hòa bình trong tâm hồn của mỗi con người. Do đó tôi cho rằng, sứ mệnh người họa sĩ còn phải thể hiện được tinh thần dân tộc, quảng bá được di sản dân tộc với bạn bè quốc tế, khẳng định nét đẹp văn hóa riêng có của người Việt Nam hướng đến tương lai chung của toàn cầu.

– Vậy người họa sĩ cần làm gì để lan tỏa được những thông điệp này, thưa bà?

Trước hết, họa sĩ phải yêu thiên nhiên, yêu con người và yêu giá trị văn hóa dân tộc. Chỉ có bằng chính tình yêu của mình mới tạo nên “hồn cốt” của tác phẩm muốn gửi đến người xem. Hơn hết, hãy để cho những người lao động Việt Nam được chiêm ngưỡng những bức tranh được vẽ bằng cả trái tim mình với một tinh thần an lạc xua tan mọi muộn phiền để vượt qua những khó khăn hiện tại. Đó chính là thông điệp mà người họa sĩ có thể làm đầu tiên.

Bên cạnh đó, chúng ta phải tạo ra một cộng đồng họa sĩ lớn mạnh để cùng nhau gìn giữ những giá trị tốt đẹp đó thông qua các chương trình ý nghĩa như các chiến dịch trồng cây xanh hoặc tham gia chương trình vì cộng đồng. Như Quỹ tranh “Butta sweeet life”, đã có hàng trăm bức tranh sơn dầu được tặng cho các bệnh viện như: bệnh viện K (cơ sở 2), bệnh viện Mỹ Đức, bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Đức Giang và bệnh viện Châm cứu.

Hơn hết, tôi mong muốn hoạ sỹ Việt Nam có thể giao lưu nhiều hơn hoạ sỹ thế giới, tham gia vào các hoạt động của cộng đồng quốc tế để chúng ta cùng nhau lan tỏa rộng hơn những thông điệp được gửi gắm qua mỗi tác phẩm và qua mỗi người họa sĩ. Đó cũng là cơ hội để quảng bá nét đẹp văn hóa và giao lưu văn hóa.

Xin cảm ơn bà!

Bài Viết Liên Quan

Back to top button