Đào tạo nhân lực: Giảm cảnh “trống gõ nhịp 3, kèn hòa nhịp 7”

Trước đây, “học” và “hành” là khoảng cách khá xa, tuy nhiên giờ đây việc đào tạo đã đi sát thực tiễn hơn.

“Hồ đa” mà chưa…”hồ tinh”

Được xếp vào thứ 2 khu vực Đông Nam Á, dân số nước ta có khoảng 50,5 triệu người đang ở độ tuổi lao động, chiếm tới 67,7% dân số. Tỷ trọng dân số tham gia lực lượng lao động ở nhóm tuổi từ 25-29 là cao nhất.

Đào tạo nhân lực: Giảm cảnh “trống gõ nhịp 3, kèn hòa nhịp 7”

Trường đại học tập trung đào tạo kiến thức nền tảng, phần thực hành, thực nghiệp sẽ phải gắn nhiều hơn khi triển khai các học phần thực tập

Mặc dù số lượng đông nhưng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức thấp trong bậc thang quốc tế, không đủ lao động có chuyên môn, tay nghề cao. Những năm gần đây nguồn nhân lực Việt Nam không ngừng có những bước đột phá và nâng cao cả về chất lượng, trình độ chuyên môn. Thế nhưng so với các nước phát triển trong và ngoài khu vực, năng suất lao động Việt Nam vẫn còn nhiều chênh lệch.

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lực lượng thuyền viên thiếu trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp vận tải biển phải neo tầu để tìm thuyền viên. Ông Bùi Mạnh C – Trưởng phòng nhân sự Công ty cổ phần vận tải biển H.C (Hải Phòng) nhớ lại, do có đơn hàng vận chuyển đi Đông Nam Á nhưng thuyền viên bị cách ly nên công ty phải đăng tin tuyển dụng thuyền viên gấp. Sau nhiều ngày tuyển dụng, cuối cùng đơn vị cũng nhận được 3 hồ sơ xin việc đều là những sinh viên mới tốt nghiệp. Tuy nhiên, khi xuống tàu, cả 3 thuyền viên đều phải đào tạo lại gần như từ đầu mới có thể đáp ứng yêu cầu công việc.

Đào tạo nhân lực: Giảm cảnh “trống gõ nhịp 3, kèn hòa nhịp 7”

Quy trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có vai trò đặt nền móng giúp doanh nghiệp đứng vững để cạnh tranh trên thị trường

Không chỉ riêng ngành vận tải biển mà rất nhiều lĩnh vực khác khi sinh viên mới ra trường đều phải được đơn vị sử dụng lao động đưa đi đào tạo lại. Có những ngành nghề đào tạo vài tuần nhưng có những ngành nghề phải đào tạo vài tháng hoặc lâu hơn nữa.

Theo PGS.TS Phạm Văn Thuần – Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cho rằng, nhân lực cho ngành logistics sau khi ra trường thì phải đào tạo lại khoảng vài tháng. Điều này là đương nhiên, bởi ở trường đại học tập trung đào tạo nền tảng, kiến thức, còn phần thực hành, thực nghiệp sẽ phải gắn nhiều hơn khi triển khai các học phần thực tập. Trường Hàng hải Việt Nam đang thiết kế tăng thời lượng thực tập để tăng thời gian các em đi thực tế trước khi các em tốt nghiệp. Hiện, các em học sinh thực tập tốt nghiệp khoảng 3 tháng, một số ngành như điều khiển tàu biển và khai thác máy tàu biển thì các em sinh viên ở trên tàu 1 kỳ (5 tháng). Tại đây, các em đã được làm quen với môi trường làm việc.

“Còn với thực tập các nhóm ngành còn lại, thường thì khi đi thực tập, nếu doanh nghiệp có thiện chí muốn tuyển dụng các em ngay thì họ sẽ giao việc cho làm quen, thử việc luôn. Còn nếu doanh nghiệp nào chưa muốn tuyển dụng ngay thì gần như các em cũng khó có cơ hội được thực nghiệm mà chỉ cho tìm hiểu thôi. Nguyên nhân dẫn đến việc này là do 1 phần từ phía doanh nghiệp, mặt khác là do sự phối hợp chưa tốt từ phía nhà trường. Về phía nhà trường chắc chắn sẽ có những giải pháp để tăng phần thực hành cho sinh viên lên. Về cơ bản, tất cả đào tạo từ trường học là đào tạo kiến thức nền tảng, còn thực làm là khi đi thực tập của doanh nghiệp, sinh viên tiếp thu được. Cái khó nhất của người học là không được làm quen với môi trường làm việc. Và cách làm quen với môi trường làm việc thực tế nhất là được doanh nghiệp tạo điều kiện cho làm quen.” – PGS.TS Phạm Văn Thuần chia sẻ.

Bắt tay từ 2 nhà

Trước đây, việc kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều chương trình đào tạo từ nhà trường không sát với thực tiễn hoạt động doanh nghiệp nên dẫn đến tình trạng “học” một nơi, “hành” một nẻo. Chưa kể, một số cơ sở đào tạo nghề có trang thiết bị lạc hậu xa so với thiết bị đang ứng dụng tại doanh nghiệp.

Đào tạo nhân lực: Giảm cảnh “trống gõ nhịp 3, kèn hòa nhịp 7”

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nhân lực cho ngành logistics sau khi ra trường thì phải đào tạo lại khoảng vài tháng

Từ năm học 2015 – 2016, trường ĐH Hàng Hải Việt Nam đã tổ chức các chương trình kết nối doanh nghiệp. Nhà trường chi trả một khoản nhất định cho các đơn vị, các khoa để thực hiện chương trình này. Việc kết nối doanh nghiệp đã giải quyết được một số nhiệm vụ quan trọng: Thứ nhất, nhận được sự phản hồi của các doanh nghiệp về chương trình đào tạo. Thứ hai, kết nối doanh nghiệp tạo mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp để hợp tác trong khoa học và chuyển giao công nghệ. Thứ ba, nhà trường có thể mời các chuyên gia của các doanh nghiệp đến trao đổi với sinh viên về công nghệ mới, kiến thức mới. Thứ tư, tạo các học bổng cho sinh viên. Thứ năm, là tìm kiếm cơ hội thực tập cho sinh viên; phối hợp để truyền thông về cơ hội việc làm của các doanh nghiệp,…

Đào tạo nhân lực: Giảm cảnh “trống gõ nhịp 3, kèn hòa nhịp 7”

Mới đây, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng và Trường Đại học Hải Phòng đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, tuyển dụng

Mới đây, ngày 18/4/2023, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng và Trường Đại học Hải Phòng đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, tuyển dụng. Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo hai đơn vị thống nhất và ký thỏa thuận hợp tác về đào tạo, tuyển dụng và các hoạt động khác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Theo đó, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng đồng ý cung cấp học bổng hằng năm đối với các sinh viên Trường đại học Hải Phòng có kết quả cao trong học tập. Số lượng và mức học bổng được xác định dựa trên tình hình tuyển dụng và tình hình thực tế của trường hằng năm. Công ty tiếp nhận sinh viên phù hợp vào thực tập (hệ đại học). Phía công ty thường xuyên gửi báo cáo đánh giá năng lực của sinh viên thực tập và sinh viên được tuyển dụng làm cơ sở để nhà trường cải tiến chương trình đào tạo.

Trường đại học Hải Phòng sẽ giới thiệu sinh viên ưu tú và đủ tiêu chuẩn cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các ngày hội tuyển dụng, các chương trình tuyển dụng, đăng tuyển thông tin tuyển dụng trên các phương tiện của nhà trường; hỗ trợ truyền thông. các chương trình tuyển dụng đến sinh viên và cung cấp các khóa đào tạo chuyên môn tới người lao động (nếu có). Nhà trường hợp tác với doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học nhằm góp phần cùng nhau phát triển bền vững…

Quy trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có vai trò đặt nền móng giúp doanh nghiệp đứng vững để cạnh tranh trên thị trường đầy biến động. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có một quy trình đạt chuẩn để xây dựng đội ngũ lao động chất lượng. Việc phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường chính là “bản hòa ca” để thực tế hóa “học đi đôi với hành”.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button