Tỷ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số vượt kế hoạch
Tỉnh Đắk Nông hiện có 46 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (39 dân tộc), với hơn 227.000 người, gần 48.000 hộ, chiếm trên 32% tổng số dân toàn tỉnh.
Những năm qua, từ chương trình đầu tư phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn, Đắk Nông đã đầu tư xây dựng hàng chục công trình giao thông, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng tại các vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh cũng triển khai chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho gần 12.000 hộ dân; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư 4 dự án với tổng kinh phí hơn 271 tỷ đồng.
Gần 12.000 hộ dân Đắk Nông được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt
Thông qua chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, trường phổ thông dân tộc bán trú đã có hơn 47.000 lượt học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ hơn 127 tỷ đồng.
Theo kết quả phê duyệt rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, áp dụng giai đoạn 2021 – 2025 của UBND tỉnh, Đắk Nông hiện còn 8.838 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 5,18%); trong đó, hộ nghèo DTTS chung là 6.419 hộ, DTTS tại chỗ 2.678 hộ. Đặc biệt, năm 2023, việc giảm nghèo trong đồng bào DTTS tại chỗ của tỉnh rất ấn tượng, đạt 8,1% (vượt 3,1% so với kế hoạch).
Tỉnh Đắk Nông cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của người dân…
Hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Đắk Nông ngày càng đồng bộ
Xã Đắk Búk So, huyện biên giới Tuy Đức là một trong những xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc, nhất là dân tộc thiểu số ở mức cao, nhiều hộ là hộ nghèo, cận nghèo. Cụ thể xã có 10 thôn và 2 bon, trong đó 3 thôn, bon đặc biệt khó khăn. Dân tộc thiểu số trên địa bàn 487 hộ với 2.041 khẩu, dân tộc tại chỗ là 247 hộ với 1.090 khẩu.
Những năm qua, địa phương đã tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo, thực hiện giảm nghèo. Theo ông Ngô Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So, xã tranh thủ tốt các nguồn lực của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn vốn khác để ưu tiên cho giảm nghèo hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đông đảo người dân hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa của các nguồn vốn, hăng hái thực hiện bằng những hành động cụ thể. Hàng năm việc giảm nghèo được thực hiện chặt chẽ, kiểm tra, đôn đốc, động viên hộ dân thường xuyên. Xã đã thực hiện tốt chính sách của Trung ương về hỗ trợ nhà ở cho gần 80 hộ nghèo, gia đình chính sách với số tiền hàng tỷ đồng.
Đến nay, xã còn 158 hộ nghèo chiếm 6,10%, giảm 5,8% so với năm 2023. Hộ cận nghèo 172 hộ với 704 khẩu chiếm 6,64% số hộ của xã. Với kết quả này, xã đã vượt mục tiêu nghị quyết đề ra, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện tốt mục tiêu về giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số.
Theo anh Điểu Tài, bon Bu N’Drung, xã Đắk Búk So, gia đình anh nhận được nhiều hỗ trợ để xóa đói giảm nghèo. Gia đình được vay vốn phát triển sản xuất trồng trọt, hỗ trợ bò giống chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật nên kinh tế gia đình ngày càng ổn định hơn.
Tiếp tục những mục tiêu mới
Ngoài việc thực hiện các chính sách giảm nghèo do Chính phủ ban hành, thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã ban hành những chính sách đặc thù riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương. Cụ thể tỉnh lồng ghép nguồn lực của 03 chương trình gồm Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp.
Theo ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh- Xã hội tỉnh, dự báo trong những năm tới, hộ nghèo dân tộc thiểu tại chỗ vẫn chiếm tỷ trọng cao so với tổng số hộ nghèo chung của tỉnh. Tỉnh sẽ đẩy mạnh giảm nghèo ở các “lõi nghèo” là vùng sâu, xa, có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn như huyện Tuy Đức, Đắk Glong.
Đời sống vật chất, tinh thần người đồng bào dân tộc thiểu số Đắk Nông ngày càng được nâng cao
Đắk Nông triển khai Chương trình nâng cao đời sống vật chất – tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2025; Chương trình kết nghĩa, đỡ đầu giữa cơ quan, đơn vị với các bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng; Chính sách hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo là đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ để cải thiện nhà ở, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; Chính sách hỗ trợ đất ở và đất sản xuất, hỗ trợ về bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, hỗ trợ điện sinh hoạt, hỗ trợ kết nối các dịch vụ viễn thông, trợ giúp đột xuất…
Bên cạnh đó, các huyện ủy, thành ủy lựa chọn, xây dựng từ 01-02 địa bàn trọng điểm bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để tập trung các nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; Phong trào thi đua “Đắk Nông chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” do tỉnh phát động đã tạo được hưởng ứng tích cực ở các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, ưu tiên nguồn lực cho công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2024-2029 tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân, nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đắk Nông phấn đấu đến năm 2029, tăng trưởng kinh tế bình quân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt tối thiểu từ 6 đến 6,5%/năm; thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2%, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 3% trở lên.
Tuấn Nghĩa