Cuộc chiến Nga – Ukraine và những hệ lụy nhãn tiền
Nga đã nổ súng tấn công thủ đô Kiev và hơn 200 vụ không kích khác diễn ra khắp lãnh thổ Ukraine.
Như vậy, Nga đã xâm lăng Ukraine theo cách ít ai ngờ đến, không phải là cuộc tấn công tổng lực, thay vào đó ông Putin kết hợp nhiều biện pháp, chính trị xã hội đi trước, quân sự vũ trang theo sau.
Đó là gì? Thoạt đầu gây chia rẽ vùng Donbass với chính phủ Kiev, sau đó là triển khai lần lượt lực lượng với lý do “bảo vệ nhà nước Luhansk và Donetsk”. Hơn 200 cuộc không kích lẻ tẻ đã diễn ra, phá hủy 70 mục tiêu quân sự ở Ukraine.
Một loạt các quốc gia đã áp lệnh trừng phạt Nga, nhưng với Putin – dường như đó không phải là vấn đề, Kremlin khẳng định “đang nỗ lực phi quân sự hóa và phát xít hóa ở Ukraine”. “Nga không thể cảm thấy an toàn, phát triển và tồn tại với mối đe dọa thường trực từ lãnh thổ Ukraine. Mọi trách nhiệm về đổ máu sẽ thuộc về lương tâm của chế độ cầm quyền ở Ukraine”, Putin phát biểu.
Hầu hết bày tỏ quan điểm ủng hộ Kiev, chừng đó cho thấy, cuộc chiến mà Nga phát động đi ngược lại với mong muốn hòa bình, ổn định ở châu Âu cũng như trên thế giới. Hệ lụy để lại không hề nhỏ.
Thứ nhất, kể cả khi Moscow khuất phục Kiev, chặng đường tiếp theo là gì? Quốc gia Đông Âu nào sẽ đến lượt bị Putin chụp mũ “đe dọa an ninh quốc phòng Nga” và hàng tá lý do có vẻ nghiêm trọng khác?
Tương lai Ukraine trở nên u ám thời hậu chiến; xung đột dai dẳng giữa phe ủng hộ ông Zelensky và phe thân Nga rất khó dàn xếp ổn thỏa. Bài học xương máu này đã từng xảy ra ở Trung Đông, đẩy hàng loạt quốc gia rơi vào cảnh “nồi da nấu thịt” do nội chiến.
Với cuộc chiến này, người Nga không thể yên ổn hơn khi có thêm nhiều thế lực thù địch Moscow nổi lên. Hàng chục triệu dân Ukraine yêu nước, bị dồn đến đường cùng buộc cầm súng chống lại.
Thứ hai, cuộc chiến này gây ra tiền lệ xấu với lý do của nó, nếu nói rằng, quốc gia láng giềng có thể đe dọa đến hàng xóm với đường lối riêng thì có vô vàn xung đột. Trung Quốc có thể phát động lấy Đài Loan; Taliaban ở Afghanistan sẽ dựa vào vũ trang để bảo vệ mình!
Thứ ba, điều mà cộng đồng quốc tế cảm thấy quan ngại nhất là “chủ nghĩa dân tộc Nga” mất kiểm soát, nó trở nên bất chấp, hung bạo với quyền lực tối cao nằm trong tay một người.
Nên nhớ rằng, xung quanh biên giới Nga bây giờ không một quốc gia nào cảm thấy an tâm với tham vọng hùng bá của Putin. Và hình ảnh Nga trở nên xấu xí hơn trong mắt cộng đồng quốc tế.
Thứ tư, xung đột Nga – Ukraine có khả năng châm ngòi cho thế chiến thứ 3. Bắt đầu bằng khủng hoảng dầu mỏ, năng lượng toàn cầu. Hiện giá dầu trên 100USD/thùng, giới chuyên gia nhận định nếu giá dầu đạt 140 – 150USD/thùng nền kinh tế toàn cầu sụp đổ.
Cộng với đại dịch COVID-19 và những mâu thuẫn lớn về thương mại, công nghệ, địa chính trị hiện nay, các cường quốc sẽ cần đến chiến tranh toàn diện để phân định lại cục diện. Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai cũng xảy ra với kịch bản tương tự.
Theo TRƯƠNG KHẮC TRÀ – Diendandoanhnghiep.vn