Cổ phần hóa doanh nghiệp: Cần đánh giá cụ thể các vướng mắc về pháp luật
Để có thể đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp, đảm bảo chủ trương, chính sách đã đề ra, theo các chuyên gia, cần đánh giá cụ thể các vướng mắc về pháp luật…
Thống kê cho thấy, trong quý I/2023, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước đã thoái vốn tại 4 doanh nghiệp với giá trị là 41,2 tỷ đồng, thu về 168,4 tỷ đồng. Tính đến ngày 25/4/2023, đã có 27 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Lũy kế trong các năm 2021-2022, số thu từ bán vốn nhà nước của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đã nộp về ngân sách Nhà nước năm 2021 là 1.000 tỷ đồng; năm 2022 là 3.848 tỷ đồng (trong đó thu của ngân sách Trung ương là 2.511 tỷ đồng, thu của ngân sách địa phương là 1.338 tỷ đồng). Kế hoạch thu hồi vốn Nhà nước tại một số tổ chức kinh tế do Trung ương quản lý là 3.000 tỷ đồng.
18 doanh nghiệp đã thoái vốn Nhà nước với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng trong năm 2021. Năm 2022, thoái vốn Nhà nước tại 1 doanh nghiệp với giá trị 195 tỷ đồng, thu về 390 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn tại 31 doanh nghiệp với giá trị là 688,7 tỷ đồng, thu về 3.900,6 tỷ đồng.
Cho ý kiến về các giải pháp được đề xuất tại Dự thảo, chuyên gia cho rằng, quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo cả về lượng và chất. Cụ thể, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chậm; Quản lý vốn tại các doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước không chi phối khó khăn nhưng chưa có hướng xử lý cụ thể. Đặc biệt, quá trình cổ phần hóa thời gian qua có không ít sai phạm cả về kinh tế, đất đai, gây thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước…
Để giải quyết hiện trạng đã nêu và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, theo các chuyên gia, Chính phủ cần đánh giá cụ thể các vướng mắc về pháp luật trong thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước; tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm tránh thất thoát vốn Nhà nước, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của doanh nghiệp cổ phần hóa.
Nhìn nhận về bức tranh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cổ phần hóa phải bám sát mục tiêu về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nếu không sẽ “thất bại toàn tập”. Đồng thời, phải công khai, minh bạch; phải thanh tra, giám sát và khâu này phải đồng hành ngay từ khi xây dựng chính sách, không phải chờ đến khi có sai phạm rồi mới đi thanh tra. Công tác truyền thông phải thường xuyên hơn bởi đây cũng là cách để giám sát thực hiện cổ phần hóa.
Để tiếp tục đẩy mạnh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội nhấn mạnh, cần bám sát mục tiêu cổ phần hóa đã đề ra. Cùng với đó, cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
Cùng quan điểm đã nêu, ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, song hành với minh bạch về mặt pháp lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, đất đai, quy hoạch, đấu giá thì cần nâng cao chất lượng thông tin hoạt động doanh nghiệp nhà nước từ sớm, từ xa, không đợi đến khi xác định cổ phần hóa mới bắt tay vào xử lý…
Còn theo ông Hoàng Minh Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, hệ thống pháp luật liên quan đến cổ phần hóa có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, từ Luật Doanh nghiệp cho đến Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh, Luật Đất đai, Luật Đấu giá… Với phạm vi lớn như vậy có thể nói rằng, việc có những điểm sơ hở là không tránh khỏi.
Cùng một hệ thống pháp luật nhưng có những trường hợp thực kết quả tốt, có trường hợp kết quả không được như mong đợi. Vì vậy, khi đánh giá hệ thống pháp luật, cần phải cân nhắc và tránh đổ lỗi cho hệ thống pháp luật; ngược lại cũng không nên cho rằng hệ thống pháp luật không có lỗi gì mà chỉ là do việc thực hiện pháp luật chưa tốt.
Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ và chất lượng cổ phần hóa, ngăn ngừa thất thoát tài sản Nhà nước, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể các vướng mắc về pháp luật trong thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước; tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm tránh thất thoát vốn nhà nước, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của doanh nghiệp cổ phần hóa.