Cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu

Ngày 17/10, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn “Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam”. Sự kiện thu hút đông đảo sự quan tâm tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, có khả năng thích ứng linh hoạt với những xu thế toàn cầu về chuyển dịch năng lượng. Đặc điểm địa lý, địa hình, khí hậu lý tưởng để sản xuất năng lượng tái tạo. Về hành lang pháp lý, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển, chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nhờ đó lĩnh vực năng lượng tái tạo đã ghi nhận những bước tiến đáng kể trong giai đoạn vừa qua.

Sau khi Quy hoạch điện VIII được ban hành, cho thấy Việt Nam đã có những kế hoạch dài hạn cho việc chuyển đổi cơ cấu năng lượng từ sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng nguồn các năng lượng sạch từ gió, mặt trời, khí LNG.

Cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu
Diễn đàn “Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam”

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng đánh giá hiện nay, nước ta vẫn còn những điểm nghẽn pháp lý cần tiếp tục chỉnh sửa trong thời gian tới. Quá trình chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng, nếu được thực hiện tốt, sẽ thúc đẩy Việt Nam đạt được đồng bộ các mục tiêu về phát triển kinh tế – xã hội và môi trường, đáp ứng được tầm nhìn dài hạn của đất nước.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Abhinav Goyal, Giám đốc Dịch vụ tư vấn Dự án Đầu tư và Cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam đánh giá, hiện nay Việt Nam đang đứng trước nhu cầu cấp thiết về chuyển dịch năng lượng, với tham vọng và mục tiêu rõ ràng về chuyển dịch từ cơ cầu năng lượng chủ yếu dựa vào than đá sang năng lượng tái tạo. Theo đó công suất nhiệt điện than dự kiến đạt đỉnh vào năm 2030 và sau đó giảm dần về 0 trong giai đoạn 2030-2050, dự kiến năng lượng tái tạo sẽ chiếm phần lớn trong tổng năng lượng từ mức 31% lên 62% trong giai đoạn 2030 đến 2050.

Quá trình này kéo theo sự thay đổi chuỗi cung ứng nguồn cung năng lượng. Sự dịch chuyển sang năng lượng tái tạo cũng mang đến cơ hội cho các nhà cung cấp và các đơn vị tham gia vào thị trường khi có các dịch vụ mới được phát triển, từ đó tạo nguồn doanh thu mới, giảm chi phí năng lượng và cải thiện thương hiệu. Hiện nay, gần 90% nguồn cung linh kiện của các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam được nhập khẩu từ các quốc gia khác. Đây cũng là cơ hội mới để Việt Nam tăng cường sản xuất và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng linh kiện này.

Ông Goyal cho biết thêm, chuỗi cung ứng của một số các quốc gia trong khu vực như Indonesia đã có những yêu cầu về nội địa hóa trong phát triển năng lượng mặt trời, gió và địa nhiệt, hoặc có các chính sách khuyến khích hợp tác địa phương trong các dự án năng lượng tái tạo. Indonesia cũng tận dụng trữ lượng niken dồi dào trong nước để sản xuất pin xe điện. Tương tự, Thái Lan có các ưu đãi của chính phủ đã góp phần thiết lập các nhà máy sản xuất linh kiện xe điện, giúp tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng của nước này đạt tới 50%-60%.

Đối với Việt Nam, ông Goyal cho rằng cần giải quyết các thách thức về tài chính như đa dạng hóa các sản phẩm tài chính để phù hợp với các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là vốn vay ưu đãi, tài chính hỗn hợp và các cơ chế tài chính khí hậu mới.

Bên cạnh đó, thu hẹp khoảng cách năng lực trong chuỗi cung ứng tại các địa phương thông qua việc thúc đẩy liên doanh và chuyển giao công nghệ giữa các công ty trong nước và các công ty nước ngoài có kinh nghiệm trong sản xuất, linh kiện năng lượng tái tạo. Đặc biệt, cần cải thiện các nút thắt về chính sách, bao gồm đơn giản hóa và đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo, thí điểm các dự án đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực trước khi nhân rộng sang các dự án thương mại.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sĩ Đăng – Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, chuyển dịch năng lượng là cơ hội tốt để Việt Nam đạt được sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển dịch năng lượng cũng cần lưu ý đến vấn đề tự chủ và dựa vào những thế mạnh, ưu thế đang có về thủy điện và có lộ trình chuyển đổi phù hợp với nhiệt điện than.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đã phân tích sâu thêm về các khó khăn, thách thức và giải pháp thúc đẩy phát triển nguồn cung năng lượng tại Việt Nam. Tuy nhiên, để thành công trong việc chuyển đổi, Việt Nam cần định hướng thực hiện một chiến lược phát triển hạn chế phát thải carbon trong dài hạn và trung hòa carbon vào năm 2050 phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Cùng với đó, khắc phục những điểm nghẽn cho nhà đầu tư tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng.

Lê Minh

Bài Viết Liên Quan

Để lại một bình luận

Back to top button