Clubhouse thăng hoa và rơi thẳng đứng

Clubhouse vừa tuyên bố cắt giảm một nửa nhân sự. Mới 2 năm trước, công ty được định giá đến 4 tỷ USD vì phát triển chóng mặt trong đại dịch. Thế nhưng chính Clubhouse cũng biết mình không hề ổn định.

Clubhouse thăng hoa và rơi thẳng đứng

Trong thông báo sa thải nhân viên, Clubhouse giải thích lý do là để “thiết lập lại” công ty. Đây không phải là một điều bất ngờ. Bởi vì theo nhận định của các chuyên gia, nếu có một ví dụ về sự phát triển phi lý của ngành công nghệ trong thời kỳ đại dịch, thì đó chính là Clubhouse, một nền tảng mạng xã hội âm thanh.

Khi đại dịch bùng nổ, thế giới đóng cửa, mọi người tìm kiếm những cách khác để tụ tập và giải trí. Không chỉ là “người thường”, mà cả những người nổi tiếng, các giám đốc công nghệ, các nhà đầu tư mạo hiểm cũng có nhu cầu như vậy.

Hồi đó, vốn còn rẻ và dồi dào. Các phần mềm thì như thống trị thế giới. Vậy nên người ta muốn phát triển một mạng xã hội mới. Và Clubhouse có vẻ là “kẻ được chọn”. Đây là mạng xã hội cho phép người dùng lắng nghe các cuộc thảo luận về những vấn đề như âm nhạc, công nghệ, thời trang, và nhiều thứ khác. Những người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng như Mc Hammer, Oprah Winfrey hay Mark Zuckerberg cũng có mặt trên nền tảng này.

Tháng 1/2021, liên doanh Andreessen Horowitz đầu tư vào Clubhouse với mức định giá 1 tỷ USD. Chỉ ba tháng sau, công ty nhận thêm vốn đầu tư từ Tiger Global và DST Global, khiến giá trị tăng vọt lên 4 tỷ USD. Tính đến giữa tháng 4/2021, Clubhouse ghi nhận 14,2 triệu lượt tải về.

Những tưởng đó là một khởi đầu suôn sẻ với Clubhouse. Thế nhưng trên thực tế mức độ tăng trưởng của nền tảng này nhanh chóng chững lại, ngay trước khi mô hình doanh thu được đưa ra.

Đến cuối năm 2021, sự ảnh hưởng của đại dịch giảm dần. Các nền kinh tế mở cửa trở lại, lãi suất mức chạm đáy sắp kết thúc. Cổ phiếu công nghệ đạt đỉnh vào tháng 11/2021. Trong khi đó giá cổ phiếu của những nền tảng “hưởng lợi” từ việc người ta phải ở nhà, chẳng hạn Zoom hay Peloton, nhanh chóng sụt giảm.

Và Clubhouse cũng nằm trong số này. Vào cuối năm 2021, CEO kiêm nhà sáng lập Paul Davison thừa nhận rằng công ty của ông hồi đầu năm “đã phát triển quá nhanh”.

Thậm chí trong bài đăng thông báo hôm 27/4, công ty ám chỉ rằng đáng lẽ đợt sa thải nhân viên này phải diễn ra từ vài tháng trước. Họ cho biết việc thu hẹp quy mô là điều cần thiết để “thiết lập lại công ty”. Hồ sơ trên LinkedIn cho thấy Clubhouse chỉ có hơn 200 nhân viên.

Bài đăng có đoạn: “Vì thế giới đang dần mở cửa trở lại sau đại dịch, việc tìm kiếm bạn bè trên Clubhouse để trò chuyện lâu dài trở nên khó khăn hơn. Để khẳng định vai trò của mình, nền tảng cần phát triển. Và muốn phát triển cần có thời gian”.

Việc sa thải nhân viên dường như trở thành một chiến lược chung của các công ty phần mềm, TMĐT và mạng xã hội đang phải vật lộn với nền kinh tế trì trệ. Những thống kê cho thấy có hơn 184.000 việc làm từ hơn 600 công ty công nghệ  bị cắt giảm trong năm 2023. Con số này trong năm 2022 là 165.000 việc làm từ hơn 1.000 công ty.

Tình hình của Clubhouse bấp bênh hơn bao giờ hết. Thậm chí trong năm 2021, khi thị trường còn đang nóng, thì định giá của nền tảng này vẫn bị nhận định là “phù phiếm”.

Tuy nhiên những người sáng lập Clubhouse khẳng định họ vẫn còn đủ vốn để tiếp tục hoạt động, sau khi huy động được hàng trăm triệu đô trong năm 2021. Bộ đôi nhà sáng lập Davidson và Rohan Seth tin rằng một đội nhóm nhỏ hơn sẽ giúp Clubhouse có được sự tập trung và tốc độ, cũng như giúp phát triển phiên bản nâng cao của nền tảng. Đối với những nhân viên sắp nghỉ việc, Clubhouse khẳng định vẫn trả lương và chi phí chăm sóc sức khỏe đến cuối tháng 8.

Đó là với những người sắp ra đi. Còn đối với những người ở lại, Clubhouse bày tỏ công ty thấu hiểu cảm giác bấp bênh của nhân viên. Đồng thời nền tảng này khẳng định đang phát triển một “Clubhouse 2.0”, như một lời hứa hẹn về một tương lai vững mạnh của mình.

Thế nhưng thành công với Clubhouse có vẻ sẽ là canh bạc dài và khó khăn. Các công ty internet tiêu dùng thường hoạt động theo kiểu thu hút lượng người dùng lớn trước, sau đó kiếm tiền từ cơ sở người dùng này thông qua một số hoạt động như quảng cáo, dịch vụ thuê bao hoặc hàng hóa ảo. Tuy nhiên, các ứng dụng gây sốt thường chỉ hot trong một thời điểm và hạ nhiệt sau đó, nếu sự mới mẻ qua đi hoặc xuất hiện bản sao nào đó. Dù bằng cách nào, thì khi “thời hoàng kim” qua đi, động lực phát triển hiếm khi quay trở lại.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button