Chuyển lượng sang chất kinh tế tuần hoàn: Cần tầm nhìn dài hạn
Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn còn gặp nhiều rào cản từ nhận thức, nguồn lực, cũng như các chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện.
Chia sẻ với DĐDN PGS.TS Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng, Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, DNNVV Việt Nam cần coi KTTH là mục tiêu phát triển dài hạn.
– Như vậy, mức độ tiếp cận cũng như khả năng thực hiện KTTH ở khu vực DNNVV còn hạn chế liên quan chủ yếu đến tầm nhìn, thưa ông?
Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam tham gia vào KTTH còn hạn chế, đặc biệt liên quan đến vướng mắc như nguồn lực, nhận thức, năng lực và tầm nhìn về lợi ích của KTTH.
Cụ thể, các tổ chức, cá nhân sản xuất và doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh vẫn lấy mục tiêu ngắn hạn về lợi nhuận mà chưa cân nhắc đến các lợi ích lâu dài, bền vững trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay. Bởi vì, hiệu quả từ KTTH đến chậm hơn, không tác động nhanh hơn, nhiều doanh nghiệp không có khả năng chờ đợi, cũng như (có thể) cần kinh phí triển khai mô hình KTTH dẫn đến khó khăn do phải xoay xở dòng vốn.
Ngoài ra doanh nghiệp đang vận hành theo cách truyền thống (với tầm nhìn ngắn hạn) vẫn chưa thấy thách thức quá lớn, tạo sức ép để buộc họ phải chuyển đổi hoặc chịu tác động để có động lực chuyển sang mô hình KTTH. Bên cạnh những doanh nghiệp đã triển khai, thấy được giá trị KTTH thì còn có một số doanh nghiệp thực hiện KTTH xuất phát từ hoạt động quan hệ công chúng (PR), hoặc tận dụng các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước mà chưa xem xét trên cơ sở lợi ích môi trường, trách nhiệm xã hội của mình.
– Các chính sách hiện hành về KTTH đã cụ thể và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, thưa ông?
Các chính sách liên quan, chúng ta đã có chủ trương về phát triển KTTH được khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt là trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030. Hệ thống pháp luật, chính sách liên quan phát triển KTTH đang tiếp tục được cập nhật, dần được hoàn thiện với cách tiếp cận dựa vào thị trường, tôn trọng các nguyên tắc KTTH. Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trong nước, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang góp phần hình thành ra những giải pháp mới, góp phần phát triển mô hình kinh doanh mới (bao gồm KTTH) theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững hơn.
Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo; công tác thông tin, truyền thông về KTTH và kinh doanh tuần hoàn (KDTH) còn hạn chế. Chúng ta đang thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hoạch định chính sách với các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ…
Hiện tại, các văn bản dưới luật, ngoài các quy định phát triển khu công nghiệp sinh thái như Nghị định số 35/2022 quy định về Quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, văn bản (Quyết định số 687/QĐ-TTg) của Thủ tướng phê duyệt KTTH, vẫn còn những là quy định mới, chưa được truyền thông sâu rộng, cũng như chưa có cơ chế khuyến khích kèm theo tạo tác động cho mô hình KTTH ở mô hình doanh nghiệp phát triển.
– Phát triển và nhân rộng mô hình KTTH luôn là một thách thức trong công tác xây dựng chính sách, thưa ông?
Để phát triển mô hình KTTH từ các mô hình cơ sở, doanh nghiệp chúng ta cần có những giải pháp cụ thể, rõ ràng. Chẳng hạn về tài chính, nguồn lực, đất đai, các vật liệu sản phẩm tái chế, đòi hỏi cần có sự hỗ trợ từ các cơ chế cho phép, khuyến khích sử dụng để tạo động lực cho doanh nghiệp thực hiện. Bởi lợi ích từ kết quả thực hiện KTTH đem lại là rất lớn, giúp Việt Nam phát triển kinh tế bền vững bao gồm các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Về hạ tầng, cần có sự vào cuộc đầu tư của các nguồn lực xã hội về tài chính, giải phóng đất đai, đầu tư phát triển hạ tầng, chuyển đổi mô hình sản xuất, tận dụng, xử lý chất thải… Hiện tại Việt Nam chưa có mô hình, hướng dẫn cụ thể cho các ngành nghề nhất định, mới dừng ở khu công nghiệp chứ chưa xuống được các ngành hàng sản xuất.
Trước sự hạn chế của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì ngoài những chính sách khuyến khích phát triển, Nhà nước cần phát huy vai trò giám sát, quản lý, thúc đẩy mô hình KTTH được phát triển sâu rộng hơn ở các lĩnh vực và ngành nghề kinh tế ở Việt Nam.
Bên cạnh đó công cuộc thực hiện cũng cần triển khai quyết liệt, có hướng đi cụ thể như vai trò kêu gọi các nguồn lực (vốn, lao động), liên kết các doanh nghiệp lớn hỗ trợ, cơ chế thúc đẩy xã hội hóa để KTTH…
– Xin cảm ơn ông!
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn