Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam

Ngày 31/10, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay”.

Hội thảo đã thu hút 87 bài tham luận, với các chủ đề và góc nhìn phong phú, đa dạng, đều thống nhất khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận là yêu cầu cấp thiết, phù hợp mục tiêu xây dựng xã hội số hiện nay ở Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Thiếu tướng, TS. Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện CSND; TS. Võ Văn Bé, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự thật cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan, các nhà khoa học.

Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam
GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, được Đảng, Nhà nước xác định là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, không có ai bị bỏ lại phía sau, để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Các dấu ấn chuyển đổi số hiện diện rõ nét, đem đến những thay đổi rất tích cực trên cả 5 mặt công tác quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn nhiều mặt hạn chế, khó khăn, thách thức đặt ra đối với chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận hiện nay. Trong đó, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ làm công tác tư tưởng, lý luận chưa theo kịp yêu cầu. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận chưa được hoàn thiện, cán bộ, đảng viên và nhân dân khó tiếp cận nhất là ở vùng sâu vùng xa.

Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam
PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu chào mừng hội thảo

Phát biểu chào mừng hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số đã và đang trở thành một yêu cầu quan trọng đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Về giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, PGS.TS Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương khẳng định quan điểm: “Chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số”.

Đối với đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cần cam kết chính trị mạnh mẽ của các cấp, cơ quan liên quan. Xuất phát từ nhận thức đầy đủ lợi ích của chuyển đổi số, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, người đứng đầu lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chiến lược, lộ trình, kế hoạch, phân bổ nguồn lực để chuyển đổi số kịp thời, đồng bộ. Cơ sở đào tạo lý luận chính gồm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 4 học viện khu vực, Học viện báo chí và tuyên truyền, các trường chính trị cấp tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng cấp huyện và một số cơ sở khác liên quan phải tiên phong bằng những hành động thiết thực trong chuyển đổi số…

Còn theo Thiếu tướng, TS Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện CSND cho biết, hiện nay bối cảnh thế giới và trong nước đã và đang đặt ra cho công tác tư tưởng, lý luận phải đổi mới về nhận thức, xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ, phù hợp để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đặc biệt, cuộc cách mạng khoa học- công nghệ lần thứ 4 với trọng tâm là chuyển đổi số đang làm thay đổi căn bản, toàn diện phương thức quản trị quốc gia, mô hình sản xuất kinh doanh tiêu dùng cũng như đời sống văn hóa xã hội. Do đó, công tác tư tưởng, lý luận của Đảng cũng không nằm ngoài phạm vi của chuyển đổi số với nhiều thuận lợi to lớn nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi cần phải có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể, kỹ lưỡng để công tác tư tưởng, lý luận nhanh chóng nắm bắt những cơ hội mà chuyển đổi số đem lại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Lê Quân

Bài Viết Liên Quan

Để lại một bình luận

Back to top button