Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh

Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.

Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh

Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Quán triệt một số nội dung trọng tâm và các chương trình chuyên đề thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” do Bộ Nông nghiệp chủ trì diễn ra vừa qua đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh và đưa ra phương hướng nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Trên cơ sở kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện kết quả các chương trình, dự án về công nghệ thông tin, chuyển đổi số do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan đã và đang triển khai, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Chương trình được triển khai ở khu vực nông thôn của cả nước (bao gồm cả các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo).

Để đạt được mục tiêu trên, UBND các tỉnh thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới từ cán bộ tới cộng đồng dân cư, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn. Chú trọng hơn tới công tác tuyên truyền về Chương trình chuyển đổi số góp phần chuyển tải thông điệp, tầm quan trọng của hoạt động chuyển đổi số về phát triển kinh tế – xã hội tới người dân.

Xây dựng các mô hình thí điểm

Mục tiêu đề ra mỗi tỉnh, thành phố có tối thiểu 01 mô hình xã nông thôn mới thông minh tùy theo điều kiện thực tiễn, việc lựa chọn các mô hình xã, thôn thông minh cần gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương, có điều kiện cơ sở hạ tầng kết nối giữa người dân, doanh nghiệp với đơn vị cung cấp dịch vụ số tốt…cán bộ, công chức của xã cần được trang bị máy tính và kết nối internet để phục vụ cho công tác điều hành, chỉ đạo, chia sẻ thông tin và giải quyết nhiệm vụ chuyên môn.

Các đơn vị cần chủ động thu thập, lưu trữ các dữ liệu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới để kịp thời cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung toàn quốc, đồng thời xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn, trong đó ưu tiên về đất đai, cây con giống, thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai. Qua đó, giúp bà con nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng cũng như phục vụ quản lý nhà nước và sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh

Hướng tới nền nông nghiệp chuyên nghiệp, hiệu quả

Việc ứng dụng chuyển đổi số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc, xác định mã số vùng trồng, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, thực phẩm, an toàn dịch bệnh định hướng; đào tạo ứng dung công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ,…) nông sản và đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.

Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất đã và đang được nông dân sử dụng để giải bài toán năng suất, chất lượng và giá trị. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp.

Ngoài ra, các ban ngành cần huy động nguồn lực, vận động hỗ trợ chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới bố trí nguồn lực (bao gồm cả nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện, xã) và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác từ xã hội hóa để triển khai thực hiện mô hình thí điểm xã, thôn nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử tại địa phương, vận động các tổ chức, cơ quan tham gia hỗ trợ chuyển đổi số ở địa phương; vận động các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và tham gia cung cấp các dịch vụ phục vụ chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

Quỳnh Anh

Bài Viết Liên Quan

Back to top button