Chữa “bệnh thừa tiền”, tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp
Theo chuyên gia, nếu không tăng trưởng tín dụng, không chữa được “bệnh thừa tiền” trong ngân hàng, thì toàn bộ nền kinh tế sẽ gặp khó khăn và cuối cùng ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng GDP.
Tín dụng khó tăng trưởng
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố tháng 7/2023, tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng âm 0,74%, trong khi người dân gửi nhiều hơn với mức tăng trưởng 8,93%. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp không gửi tiền vào ngân hàng nữa, có thể do họ phải tối ưu nguồn vốn, không muốn phát triển sản xuất kinh doanh, hoặc không dư tiền, còn phía dân cư thì ngược lại.
Ông Nguyễn Minh Tuấn CEO AFA Capital đánh giá, xu hướng lãi suất không ngừng đi xuống nhưng dòng tiền vẫn đổ vào ngân hàng, ngược lại, tăng trưởng tín dụng gặp không ít khó khăn đã phần nào phản ánh những “trúc trắc” không mong muốn trong nền kinh tế hiện nay.
Nếu như câu chuyện tín dụng tăng trưởng chậm đã được nói đến nhiều trong suốt thời gian qua, việc tiền gửi duy trì tốc độ tăng cao hơn so với tín dụng càng củng cố thêm những luận điểm giải thích cho lý do vì sao tín dụng vẫn ra chậm.
Khi lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng mà không giải ngân ra được sẽ nằm ở hai nơi, một là trên hệ thống liên ngân hàng và hai là lượng tiền của các ngân hàng để tại Ngân hàng Trung ương. Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCK BSC cho biết, số dư Citad (là lượng tiền gửi không kỳ hạn các ngân hàng thương mại để tại Ngân hàng Nhà nước) tại hệ thống đã lên tới gần 400.000 tỷ đồng, trong khi dự trữ bắt buộc chỉ ở mức khoảng 280.000 tỷ đồng.
“Một vấn đề dễ nhận thấy nữa là, khi không tăng trưởng tín dụng thì tổng phương tiện trong nền kinh tế cũng có sự sụt giảm tương ứng. Như vậy nếu không tăng trưởng tín dụng, không chữa được “bệnh thừa tiền” trong ngân hàng, thì toàn bộ nền kinh tế sẽ gặp khó khăn và cuối cùng ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của GDP.
Câu hỏi đặt ra là tại sao không hạ chuẩn cho vay, không hạ lãi suất, không giảm bớt các điều kiện về kiểm soát rủi ro trong hệ thống ngân hàng,… Nhưng nếu không kiểm soát những vấn đề này chặt chẽ, thì tiền lại chảy vào những lĩnh vực mang lại rủi ro hệ thống cao hơn trong tương lai”, ông Tuấn phân tích.
Nới lỏng cung cầu vốn
Về giải pháp, vị CEO AFA Capital cho rằng, “bệnh thừa tiền” này được chữa bằng việc Ngân hàng Trung ương phải hút tiền ra khỏi hệ thống của các ngân hàng thông qua hoạt động tín phiếu.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước hút ròng tổng cộng hơn 150.000 tỷ đồng từ ngày 21/9 qua kênh tín phiếu. Tuy nhiên việc này cũng không quá ảnh hưởng tới lãi suất thị trường liên ngân hàng, mức lãi suất có tăng không quá cao. Thực tế Ngân hàng Nhà nước rút thanh khoản dư thừa ra khỏi hệ thống, là để tránh vấn đề về tỷ giá và những vấn đề liên quan đến các luồng tiền, thông qua cách nào đó có thể chạy sang thị trường một.
Nhiều chuyên gia cũng đưa ra quan điểm rằng, muốn tăng trưởng tín dụng thì phải kích thích được việc vay tiền, đặc biệt là làm sao tăng khả năng hấp thụ nguồn vốn cho doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp, khách hàng phải phục hồi được hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi được khả năng tiêu thụ sản phẩm hàng hoá ra thị trường.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các ngân hàng không dám cho vay tiền vì sợ rủi ro và nợ xấu, còn Chính phủ không thể can thiệp vào hoạt động này của ngân hàng. Vì vậy, chúng ta có thể thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, cung cấp dịch vụ bảo lãnh cho các doanh nghiệp không đủ tài sản đảm bảo trong quá trình vay vốn.
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước đã áp dụng thành công mô hình này từ rất lâu như Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, hay như các nước trong khu vực là Thái Lan, Malaysia, Philippines…
“Tôi cho rằng việc thành lập quỹ tín dụng quốc gia không khó, chúng ta cần phải làm và kiểm soát chặt chẽ hơn. Doanh nghiệp và ngân hàng chỉ cần làm đơn xin bảo lãnh tín dụng gửi lên quỹ. Sau khi được phê duyệt thì ngân hàng cấp tín dụng cho doanh nghiệp, còn doanh nghiệp trả phí cho quỹ bảo lãnh. Nếu doanh nghiệp bị vỡ nợ thì quỹ sẽ trả tiền cho ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Còn theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên ĐH Kinh tế TPHCM đề xuất, Chính phủ cần tập trung hơn nữa vào chính sách tài khóa, duy trì theo hướng nới lỏng. Hiện mức giảm thuế VAT 2% chưa đủ khuyến khích người dân mua sắm, trong khi nhiều nước tạm miễn thuế VAT, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp. Phải đồng loạt miễn hoặc giảm sâu các loại thuế này mới kích cầu thị trường, giúp tổng cầu nền kinh tế tăng, kích thích doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Tại buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024 như: tiếp tục xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đã áp dụng cho năm 2023; rà soát và báo cáo Chính phủ tiếp tục xem xét giảm thuế GTGT như đã áp dụng cho năm 2023; tiếp tục rà soát áp dụng giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu; giảm mức thu một số mức phí, lệ phí, khuyến khích việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến….