CHỦ TỊCH HĐQT CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN HỒ GƯƠM: Đưa ngành dệt may VƯƠN RA BIỂN LỚN

Bà Ninh Thị Ty, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm và Công ty May Chiến Thắng, nguyên Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam, một trong 60 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022, là người thẳng thắn, dám nghĩ, dám làm.

Bà đã nhiều lần vực dậy các công ty may trước bờ vực phá sản, góp sức đưa ngành dệt may Việt Nam vươn xa thế giới.

Hiện nay, các nhà máy thuộc Công ty ở khắp các tỉnh, thành như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn… với gần 10.000 công nhân có việc làm ổn định, thu nhập trung bình từ 7 – 10 triệu đồng/người/tháng. Tốc độ tăng trưởng 20 – 30%/ năm, chủ yếu làm các sản phẩm may mặc xuất khẩu ra thị trường: Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…

Trong đại dịch Covid- 19, dịch bệnh liên tục bùng phát ở châu Âu và Mỹ. Đây là hai thị trường chính, đầu ra của dệt may Việt Nam (xuất khẩu gần 50% sang Mỹ, gần 40% là châu Âu, chỉ khoảng 5 – 10% là các thị trường khác). Như vậy thị trường chính đầu ra của ngành dệt may Việt Nam đang bị co hẹp nhanh chóng.

Tuy nhiên, trong dịch COVID-19, bà Ninh Thị Ty vẫn thể hiện “bản chất thép” của mình. Để doanh nghiệp đứng vững, người lao động không mất việc làm, ngoài việc phải bươn chải làm khẩu trang, quần áo y tế và tham gia chung tay ủng hộ Nhà nước phòng, chống dịch bệnh, Hồ Gươm đẩy mạnh sản xuất quần áo cho thị trường nội địa, tìm kiếm mở thêm thị trường Nga.

Không lúc nào chịu ngơi nghỉ, bà luôn trăn trở với những ý tưởng mới. Dù thành công trong lĩnh vực may mặc, nhưng mấy năm gần đây, nữ doanh nhân Ninh Thị Ty bắt đầu tính toán hướng phát triển nông nghiệp sạch. Bà nhìn thấu tiềm năng xuất khẩu rau quả Việt Nam và đau đáu mở ra cơ hội mới cho ngành nông nghiệp nước nhà.

Sau khi dành thời gian sang Israel để tìm hiểu cách họ làm nông nghiệp, bà quyết định chọn “bài toán khó nhất” để thử thách bản thân, đó là trồng lá tía tô xuất khẩu sang Nhật Bản. Đầu tư trang trại sản xuất quy mô gần 12 ha, hệ thống máy móc, thiết bị, quy trình gieo trồng tía tô tuân theo quy chuẩn của người Nhật.

Để thành công chèo lái con thuyền Hồ Gươm vươn ra biển lớn, bà rất coi trọng đạo đức kinh doanh. Bà quan niệm, 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam: tạo giá trị cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình đều thực sự cần có với doanh nghiệp hiện nay.

Quy tắc nào cũng quan trọng để xây dựng thương hiệu, tạo lòng tin bạn hàng, người lao động… Bà tâm đắc, xây dựng lòng tin với khách hàng luôn luôn được Tập đoàn vun đắp. Bởi là hàng thời trang, ngoài chất lượng sản phẩm thì tiến độ giao hàng cực kỳ quan trọng. Đây cũng chính là con đường đi kiên định để phát triển bền vững của Hồ Gươm.

Mục tiêu kinh doanh của Hồ Gươm đầu tiên là phải làm cho khách hàng hài lòng, tiếp đến là công nhân hài lòng, thứ ba là chính quyền địa phương các cấp hài lòng, cuối cùng mới là doanh nghiệp có lợi nhuận. Nó như “sợi chỉ đỏ” trong suốt hành trình phát triển của Tập đoàn.

Phạm Hiền

Bài Viết Liên Quan

Back to top button