Chủ động tháo gỡ điểm nghẽn, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Những năm qua, Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể trong môi trường đầu tư, trở thành điểm đến ưa thích của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức cần vượt qua để môi trường đầu tư trở nên thực sự hấp dẫn và bền vững.

Điểm đến đầu tư hấp dẫn

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 20/12/2023, Việt Nam đã thu hút được 36,61 tỷ USD vốn FDI, đạt mức tăng trưởng ấn tượng lên đến 32,1% so với cùng kỳ năm trước.

Sự thành công này được chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá là kết quả của sự kết hợp đồng thuận từ nhiều nguyên nhân. Trước hết và quan trọng nhất là sự ổn định chính trị và tăng trưởng tích cực về kinh tế. Đồng thời, nỗ lực trong việc thực hiện chính sách ngoại giao đa phương, hòa bình và tạo ra mối quan hệ tốt với các quốc gia khác cũng đóng góp không ít vào thành công này.

Chủ động tháo gỡ điểm nghẽn, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Theo đánh giá của Hiệp hội đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thời gian qua, trước những khó khăn, thách thức, phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tạo điều kiện về pháp lý, chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản giúp các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp; sẵn sàng các điều kiện cần thiết thu hút đầu tư như mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng, năng lượng, lao động,…

Cùng với việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng đến sự hài hoà lợi ích và tuân thủ nghiêm túc các cam kết quốc tế thì vị trí địa chính trị và kinh tế thuận lợi của Việt Nam, thị trường tiêu thụ nổi bật và dân số đông đúc, đã làm cho Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh biến động toàn cầu ngày càng phức tạp.

Tuy nhiên mặc dù đã có những cải thiện đáng kể, môi trường đầu tư ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để đơn giản hóa quá trình đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Thủ tục hành chính dù đã được cải thiện, việc cấp giấy phép đầu tư và xây dựng vẫn còn mắc phải những khó khăn, rườm rà.

Thêm vào đó, mặc dù Chính phủ liên tục ban hành và điều chỉnh các luật như Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư công 2019, Luật Quản lý thuế 2019, Luật Hải quan 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2021 và nhiều văn bản khác, nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, mơ hồ và khó hiểu trong các quy định về thuế, lao động và đất đai.

Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng như sân bay quốc tế Long Thành, sân bay quốc tế Vân Đồn, cảng biển Cái Mép – Thị Vải và nhiều dự án đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao mặc dù đã tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, giúp kích thích phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng ở một số địa phương vẫn chưa đồng bộ, tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp trong các hoạt động vận chuyển và logistics,…

Rà soát, sửa đổi chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với thực tiễn

Để cải thiện môi trường đầu tư, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và rà soát toàn diện hệ thống luật pháp. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông là rất quan trọng để tạo ra môi trường đầu tư linh hoạt và thuận lợi.

Nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư hiệu quả, lâu dài, bền vững tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trong đó tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển đất nước; tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp; triển khai hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất,…

Thủ tướng nhấn mạnh, vướng mắc ở đâu thì giải quyết ở đó, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”. Đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư ngoài Nhà nước, trong đó có đầu tư nước ngoài. Phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược gắn với hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường và phù hợp các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng của Việt Nam. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam cần duy trì sự chủ động và nhất quán trong giải quyết những thách thức. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp được nhấn mạnh như một yếu tố quan trọng để xây dựng một môi trường đầu tư mạnh mẽ và bền vững.

Giang Tú (Vietnam Business Forum)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button