Chính phủ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững
“Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững” là chủ đề của Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam thường niên (VCSF). VCSF năm 2023, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức.
Phát triển bền vững phải gắn với phát triển 3 trụ cột
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà – Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh nhấn mạnh: “Phát triển bền vững phải gắn với phát triển bao trùm trên cả 3 trụ cột: Phát triển bền vững kinh tế; Phát triển bền vững xã hội, văn hoá và con người; Phát triển bền vững môi trường. Tất cả doanh nghiệp, dù ở quy mô nào, trong lĩnh vực nào cũng đều có cơ hội, vị thế, tiềm năng và hứa hẹn có nhiều đóng góp trong Cuộc đua xanh toàn cầu phát triển bền vững hiện nay.
Chính phủ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh. Quá trình chuyển đổi xanh là một cuộc cách mạng, trong quá trình phát triển, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hành các giải pháp phát triển bền vững. Các hành động và chính sách tích cực với tự nhiên sẽ được tiếp tục lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch, chính sách đầu tư trong từng ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội.
Phát biểu khai mạc Phiên toàn thể Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết: “Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện và tập hợp cộng đồng DN, cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam, VCCI đã luôn tiên phong, bền bỉ trong nỗ lực hỗ trợ, thúc đẩy DN chuyển đổi, thực hành sản xuất, kinh doanh trách nhiệm, bền vững. Diễn đàn DN PTBV (VCSF) năm nay là năm thứ 10 được VCCI chủ trì tổ chức. Trải qua một thập kỷ với những biến đổi khó lường của tình hình thế giới, Diễn đàn luôn là dịp để Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý trao đổi với cộng đồng DN về những xu thế, định hướng, chiến lược hướng tới phát triển bền vững đất nước và DN được chia sẻ những khó khăn, thách thức, những sáng kiến, những thực tiễn tốt về sản xuất, kinh doanh bền vững… để cùng nhau xác định, đề ra những mục tiêu trong giai đoạn kế tiếp”.
Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD Nguyễn Quang Vinh cũng thông tin về các xu hướng kinh doanh bền vững toàn cầu hiện nay, như: chuyển dịch sang mô hình KTTH, lồng ghép vấn đề tự nhiên và đa dạng sinh học vào các mục tiêu về khí hậu; củng cố nguồn vốn con người; xây dựng văn hóa đa dạng, bao trùm và bình đẳng trong DN; thẩm thấu tư duy quản trị theo định hướng ESG từ ban lãnh đạo DN; và công bố minh bạch thông tin thông qua lập báo cáo bền vững. Theo ông Vinh, đứng trước các yêu cầu về PTBV, cộng đồng DN cần định nghĩa lại thành công của DN không chỉ nằm ở các con số tài chính mà giờ đây còn bao gồm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ, hay DN cần gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường. Khi đã chuyển đổi về tư duy, các DN cũng cần tập trung cho một số ưu tiên hành động, đó là: chuyển đổi chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của DN theo hướng bền vững hơn; thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong DN và thúc đẩy chuyển đổi kép (chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh).
Phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh là chủ trương xuyên suốt
Đại diện Ngân hàng Thế giới – World Bank (WB) cho biết: Việt Nam có khát vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người trung bình 5,5%/năm, thu nhập bình quân tăng gấp 3,5 lần hiện tại. Để mang lại thu nhập tăng như mong muốn, Việt Nam đang tích cực chuyển đổi cơ cấu mạnh mẽ, với tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong GDP giảm từ hơn 40% vào cuối những năm 1980 xuống dưới 20% trong những năm gần đây. Dịch vụ chiếm 41,3% vào năm 2022. Hơn 40 triệu người đã thoát nghèo từ năm 1990 đến năm 2014. Tỷ lệ nghèo cùng cực (1,9 USD mỗi ngày) đã giảm từ 50% năm 1993 xuống dưới 3% hiện nay.
Tuy nhiên, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng năng lượng và phát thải nhanh nhất. Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức phát thải khí nhà kính (GHG) tính theo đầu người tăng nhanh nhất trên thế giới.
Từ năm 2000 – 2015, lượng khí thải CO2 tăng gần gấp bốn lần, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam có liên quan đến tình trạng ô nhiễm không khí độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động. Ngành điện là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất ở Việt Nam, tiếp theo là công nghiệp và giao thông vận tải.
Giám đốc chương trình Phát triển bền vững WWF – Viet Nam Phạm Minh Thảo cho rằng, thực trạng thiên tai, ô nhiễm môi trường ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng và cần sớm có giải pháp khắc phục. Diễn biến bất thường của thời tiết khí hậu tại nhiều đô thị, trong đó đặc biệt là những đô thị vùng núi như Tây Nguyên, Tây Bắc vốn được xem như khó xảy ra nhưng vài năm nay lại xảy ra thường xuyên, mang đến nguy cơ rất lớn cho đời sống con người.
Để tăng cường khả năng chống chịu với các hiện tượng cực đoan, Việt Nam cần xây dựng năng lực phòng chống, quản lý khẩn cấp, phát triển ngành cũng như cơ chế quản trị rủi ro và học hỏi để quản trị rủi ro bền vững cho tương lai. “Trước tiên là phải giảm thiểu phát thải ra môi trường, hạn chế tình trạng chặt phá rừng, đốt rác thải và thải các chất thải rắn, thải nhựa ra môi trường. Đồng thời, tăng cường các giải pháp tái chế gắn với sản xuất xanh” – bà Thảo nhấn mạnh.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhận định, phát triển nhanh và bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam xác định trong những năm qua và đặc biệt nhấn mạnh, làm rõ cho giai đoạn tới. Tại Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 thông qua tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Việt Nam đã xác định chủ trương “phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế.
Tú Năm – Kiều Nga