Chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI: Góc nhìn từ môi trường

Một thay đổi lớn của báo cáo PCI 2022 là lần đầu tiên VCCI, USAID cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố chỉ số Xanh cấp tỉnh (Provincial Green Index – PGI).

Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

Chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI: Góc nhìn từ môi trường

Theo báo cáo PGI 2022, ba tỉnh đứng đầu Chỉ số PGI lần đầu tiên là Trà Vinh, Lạng Sơn và Bắc Ninh. Tiếp theo là Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Dương, Lào Cai, Bắc Kạn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…

Tương tự cách tiếp cận của PCI, Chỉ số PGI tập hợp cảm nhận của doanh nghiệp và truyền tải “tiếng nói” của cả cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp. Một địa phương được coi là có chất lượng quản trị môi trường tốt khi có những nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) (chỉ số thành phần 1); thực thi các quy định và có các biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp (chỉ số thành phần 2); hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh (chỉ số thành phần 3); và cuối cùng, khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể (chỉ số thành phần 4).

Chỉ số Xanh cấp tỉnh được xây dựng nhằm cung cấp thông tin đầu vào phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở cả cấp trung ương và địa phương nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp. Với mục đích này, tương tự như Chỉ số PCI, Chỉ số PGI được thiết kế như một chỉ số xếp hạng dựa trên các tiêu chí đầu vào hình thành từ một hệ thống chỉ tiêu đo lường các yếu tố chính sách đầu vào (các thước đo đánh giá hành động của chính quyền cấp tỉnh) mà có thể có mối tương quan với hiện trạng môi trường và khí hậu tại Việt Nam.

Kết quả khảo sát năm 2022 đã đưa ra một số phát hiện đáng chú ý, đó là chất lượng môi trường của các địa phương cần được quan tâm cải thiện hơn. Chỉ khoảng hơn một nửa số doanh nghiệp trên toàn quốc (51,2%) đánh giá chất lượng môi trường tại địa phương là tốt hoặc rất tốt. Trung bình chung, có 30% doanh nghiệp cho biết địa phương nơi họ hoạt động là “không ô nhiễm” hoặc chỉ “hơi ô nhiễm”. Chỉ 37% doanh nghiệp cho biết không bị ảnh hưởng gì bởi ô nhiễm. Đáng lưu ý, 58% doanh nghiệp quan sát thấy hiện tượng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường là phổ biến tại địa phương.

 Các DN mong muốn chính quyền các địa phương cần triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn công tác hướng dẫn, phổ biến các nội dung liên quan đến quy định pháp luật môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp cho biết đã được chính quyền địa phương hướng dẫn về quy định pháp luật môi trường ở mức tương đối cao (43,2%). Tuy nhiên ở một số nội dung khác, tỷ lệ này còn thấp (dưới 10%). Cụ thể, chỉ 5,1% doanh nghiệp cho biết đã được chính quyền địa phương phổ biến về đầu tư vào quản lý chất thải rắn; về sản xuất năng lượng tái tạo (5,4%), tái trồng rừng (6%) và sử dụng năng lượng tái tạo (8,6%). Công tác hướng dẫn doanh nghiệp về một số nội dung liên quan đến các thực hành xanh có tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn cao hơn đôi chút, đó là giảm thiểu việc sử dụng nhựa (10,4%), bảo tồn, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (12,5%) và giảm thiểu ô nhiễm không khí (13,4%). Hầu hết các tỉnh, thành phố mới tập trung nhất vào việc hướng dẫn doanh nghiệp về sử dụng nước tiết kiệm (17,2%) và hạn chế ô nhiễm nguồn nước (16,5%).

Đáng chú ý, mức độ tiếp cận của doanh nghiệp với các chương trình khuyến khích, hỗ trợ thực hành xanh còn khá hạn chế ở hầu hết các địa phương. Tính trên thang 4 điểm (trong đó 0-Hoàn toàn không thuận lợi tới 4-Hoàn toàn thuận lợi), ngoại trừ chương trình hỗ trợ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (đạt điểm 1,03), các chương trình khác có mức độ thuận lợi về thủ tục tham gia đều dưới 1 điểm, thể hiện một tỷ lệ rất nhỏ doanh nghiệp đã tiếp cận và thụ hưởng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ.

Theo bà Aler Grubbs, Giám đốc Quốc gia Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID), Việt Nam đã rất nỗ lực để duy trì tăng trưởng kinh tế trong năm qua dù nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng của các cú sốc bên ngoài tác động. Dù tăng trưởng chậm lại nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có tăng trưởng cao.

“Thế giới đang có nhiều thay đổi và Việt Nam là quốc gia đầu tiên có chỉ số xanh cấp tỉnh, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đi theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển xanh”, bà Aler Grubbs nói.

Theo lãnh đạo USAID, việc tiếp cận nguồn lực tăng trưởng xanh đem lại nhiều tác động lớn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là động lực thúc đẩy Việt Nam phát triển bền vững và hiện thực các mục tiêu đã cam kết. Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, là quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2050. Để thực hiện điều này, đòi hỏi có sự hợp tác của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) là công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả của các cơ quan công quyền về vấn đề bảo vệ môi trường. Chỉ số Xanh sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam và thúc đẩy nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được các cam kết đã đưa ra tại COP26.

Nguồn: Anh Mai(Vietnam Business Forum)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button