“Chảy máu” khoáng sản tại Phú Yên – Bài 4: Ai “chống lưng”?
Nhiều ổ, tụ điểm cát tặc, khai thác vô tội vạ cả ngày lẫn đêm. Có lẽ dân biết, chính quyền, cơ quan chức năng đều biết, nhưng vì sao vẫn để tình trạng khai thác trái phép kéo dài?
Đó là những câu hỏi được cử tri và nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ hưu trí tỉnh Phú Yên, bức xúc và từng lên tiếng phản ánh, thế nhưng tình trạng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn diễn ra như chốn “không người”.
Chính quyền bất lực…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, tình trạng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản như, rừng, cát, đá, sỏi… liên tục bị người dân phát hiện và lên tiếng phản ánh, thậm chí có những vụ việc được lực lượng chức năng bắt quả tang, lập biên bản tạm giữ tang chứng, vật chứng nhưng vẫn không thể đưa vụ việc ra ánh sáng. Có những vụ việc cười ra nước mắt khi người bắt trộm thì bị kiểm điểm, kỷ luật, còn kẻ trộm thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thậm chí “doạ kiện” nếu không trả lại phương tiện gây án, gây bức xúc dư luận trong suốt thời gian dài.
Đáng nói, có những trường hợp khi bị phát hiện thì chống đối quyết liệt, ngăn chặn, gây khó dễ cho lực lượng chức năng kiểm tra, không ký vào biên bản hiện trường và đã bị xử phạt nhiều lần với cùng hành vi vi phạm pháp luật, thế nhưng chính quyền chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính và tiếp tục cho tồn tại, đang là những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.
Đơn cử, Dự án khai thác mỏ cát trên sông Đà Rằng do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Huy Phú làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Phú Yên ký quyết định cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 75/GP- UBND, ngày 12/12/2016.
Theo đó, diện tích khu vực khai thác cát là 3 ha; Mức sâu khai thác tính từ bề mặt +2m; Trữ lượng địa chất cấp 122: 86.414m3; Trữ lượng khai thác: 101.104,38m3 (cát nguyên khai); Công suất khai thác 10.000m3/năm; Thời gian khai thác 10 năm.
Trong đó lưu ý: việc quản lý, sử dụng các sản phẩm khai thác phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành và đúng theo quy định tại Phụ lục số 4 (trong giấy phép) – Sản lượng hàng năm và địa chỉ tiêu thụ khoáng sản được phép khai thác được quy định: Thời gian khai thác 10 năm; Công suất khai thác 10.000m3 cát nguyên khai (sản phẩm)/năm; Khu vực tiêu thụ khoáng sản – huyện Đông Hoà và các vùng phụ cận.
Quy định là vậy, thế nhưng trong quá trình khai thác, đơn vị này lại liên tục vi phạm các quy định trong giấy phép. Và đây là nguyên nhân khiến cử tri bức xúc và đặt nhiều câu hỏi về việc chính quyền bất lực, buông lỏng quản lý hay thế lực “chống lưng” quá mạnh, không phải là không có cơ sở.
Cụ thể, sau khi dư luận phản ánh về việc Cty Huy Phú khai thác cát tría phép, ngày 23/12/2020, Thanh tra Sở TNMT đã đi kiểm tra và có Quyết định xử phạt hành chính số 47/QĐ-XPVPHC, phạt 95 triệu đồng đối với công ty Huy Phú.
Tuy nhiên, sau khi bị xử phạt, Cty Huy Phú vẫn tiếp tục vi phạm. Và ngày 06/7/2021, UBND tỉnh có Quyết định số 918/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty Huy Phú số tiền là 170 triệu, buộc khắc phục hậu quả trong việc khai thác vượt ngoài khu vực cho phép.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi bị xử phạt, thay vì Cty Huy Phú thực hiện nghiêm các quy định trong giấy phép thì đơn vị này lại tiếp tục vi phạm với tần suất dày đặc hơn, quy mô hơn khi khai thác cát trái phép ngoài ranh quy định.
Cụ thể, ngày 21/12/2021, UBND xã Hoà Thành có Văn bản số 399/BC-UBND về việc báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm khoáng sản trái phép tại khu vực sông Đà Rằng, nhưng cả UBND huyện và ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Phú Yên vẫn đứng ngoài cuộc.
Bức xúc về sự việc nêu trên, ngày 28/12/2021, UBND xã Hoà Thành tiếp tục có Báo cáo số 768/BC-UBND về việc giám sát Công ty Huy Phú và yêu cầu khác phục hậu quả (Khai thác ngoài khu vực cho phép). Tuy nhiên phải 3 tháng sau Sở TNMT mới chính thức vào cuộc.
Sau khi kiểm tra thực địa, ngày 12/3/2022, Sở TNMT đã lập biên bản kiểm tra hiện trường tại Cty Huy Phú và đã phát hiện: Cty Huy Phú khai thác cát ngoài ranh cho phép (khai thác trái phép), không đảm bảo quy định về trạm cân, khu vực chứa, tự ý ngăn sông cấm chợ (xây dựng nhà quản lý trên đất công, balie…), không ký biên bản hiện trường với đoàn kiểm tra, mặc dù đã vi phạm.
Ngày 15/3/2022, Sở TNMT có Tờ trình số 87/TTr-STNMT về việc chuyển vụ việc vi phạm hành chính đến UBND tỉnh Phú Yên và đề xuất mức xử phạt 120 triệu đồng cho hành vi khai thác trái phép…
Đáng nói hơn, kể từ khi Công ty Huy Phú bị cơ quan chức năng lập biên bản và yêu cầu đình chỉ hoạt động, thế nhưng đơn vị này vẫn ngang nghiên khai thác cả ngày lẫn đêm, tiếp tục vận chuyển cát trái phép ra khỏi địa phương, mặc dù đã bị đình chỉ hoạt động.
… hay thế lực “chống lưng” quá mạnh?
Đánh giá về hành vi khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên trong thời gian qua, ông Nguyễn Thành Quang – nguyên Uỷ viên Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, cho rằng: một nghịch lý là các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Phú Yên được các nhà thầu phản ánh là đang thiếu VLXD, thì lại xuất hiện tình trạng khai thác và vận chuyển trái phép VLXD sang địa bàn tỉnh Khánh Hoà để tiêu thụ là không thể chấp nhận.
Tình trạng “thừa lậu nhưng lại thiếu chính quy” là hết sức nực cười, ông Quang nói và cho rằng, nhiều ổ, tụ điểm cát tặc, khai thác vô tội vạ cả ngày lẫn đêm… dân biết, chính quyền biết, công an biết, tài nguyên biết và chắc cán bộ cũn biết, nhưng vì sao vẫn để tình trạng khai thác trái phép kéo dài? “Chính quyền bất lực hay thế lực “chống lưng” quá mạnh? Đây là vấn đề cần phải làm rõ, thậm chí các cơ quan chức năng cần phải tổ chức một cuộc điều tra, xác minh làm rõ và trả lời công khai cho cử tri được biết. Song, theo ông Quang, điều quan trọng nhất trong lúc này là trách nhiệm của cơ quan chức năng bây giờ là phải vào cuộc một cách quyết liệt để điều tra xem thế lực nào đang bảo kê, có ai “chống lưng” hay không mà sao nạn cát tặc vẫn ngang nhiên hoạt động cả ngày lẫn đêm?, ông Quang bức xúc.
Đồng quan điểm, Ông Nguyễn Văn Chín, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ Phú Yên, cho rằng: tình trạng doanh nghiệp vận chuyển VLXD, đặc biệt là cát ra khỏi địa bàn tỉnh Phú Yên và sang tỉnh Khánh Hoà để tiêu thụ là có thật. Rõ ràng điều này là không thể chấp nhận và cần phải chấn chỉnh.
“Nườm nượp xe chở cát đi ra khỏi tỉnh, trong khoảng thời gian gần 3 tiếng đồng hồ thì có tới 22 chiếc. Nếu tính bình quân mỗi xe chở 5m3/ xe thì với hơn 20 xe này là hơn 100m3 và đã vượt trữ lượng cho phép trong giấy phép (trong giấy phép chỉ cho khai tác 10.000m3/năm, tương đương gần 30m3/ngày), thì khối lượng trên đã vượt. Chưa kể, theo phản ánh của người dân thì các doanh nghiệp này khai thác ngoài thời gian quy định (trong khi giấy phép chỉ cho khai thác từ 7h -17h). Tức là doanh nghiệp đã khai tác cả ngày lẫn đêm thì vượt quá quy định là rất lớn”. Do đó, ông Chín cho rằng, để chấn chỉnh và xử lý dứt điểm tình trạng khai thác trái phép VLXD thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách quyết liệt để xử lý.
“Trong quy định của pháp luật đã quy định rất rõ, trước mắt là xử lý hành chính, nếu trên mức độ xử lý hành chính mà vẫn còn vi phạm thì tiếp tục xử lý hình sự. Việc này nhất định phải làm để tránh tình trạng lợi dụng giấy phép để khai lậu, khai thác trái phép”, ông Chín nhấn mạnh.