Chất xúc tác cho chuyển đổi bền vững toàn cầu
Chiều nay (11/7), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp VLA tổ chức “Diễn đàn Logistics xanh – Sức bật trong biến động, kết nối cùng FIATA World Congress 2025” tại VCCI Tower, Hà Nội.
Ông Turgut Erkeskin, Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận và Vận tải Quốc tế (FIATA) nhận định, lộ trình chuyển đổi xanh cùng với FIATA World Congress 2025 là chất xúc tác cho sự chuyển đổi, hợp tác và xây dựng một ngành logistics không chỉ xanh hơn, mà còn thông minh hơn, vững mạnh hơn và gắn kết hơn với giá trị toàn cầu.
Cam kết chuyển đổi xanh lĩnh vực logistics của Việt Nam thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng trong giao thông vận tải là cho thấy nhận thức chiến lược của Việt Nam trong việc coi logistics là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và năng lực cạnh tranh quốc tế.
– Theo ông, đâu là những động lực chính thúc đẩy xu hướng logistics xanh hiện nay?
Trên hết, các khuôn khổ quy định ngày càng thắt chặt, Chính phủ và các tổ chức quốc tế đưa ra những mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng, cơ chế định giá carbon, cùng các chính sách vận tải xanh nhằm giảm lượng khí thải carbon trong lĩnh vực logistics. Các sáng kiến từ Gói Fit for 55 của Liên minh Châu Âu đến lộ trình giảm carbon của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO),…
Thứ hai, kỳ vọng ngày càng cao của các chủ hàng và người tiêu dùng cuối về những chuỗi cung ứng có trách nhiệm với môi trường, họ đánh giá đối tác logistics dựa trên hiệu suất giảm phát thải, tính minh bạch và mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Thứ ba, động lực từ tiến bộ công nghệ và chuyển đổi số. Những đột phá trong công nghệ vận tải sạch như xe điện, xe chạy hydro, nhiên liệu hàng không bền vững và nền tảng logistics thông minh đang giúp các giải pháp xanh trở nên khả thi hơn. Cùng với đó, công cụ số và trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép tối ưu lộ trình vận chuyển, giảm phát thải.
Cuối cùng, giới đầu tư đang ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp logistics thân thiện với môi trường. Các công cụ tài chính xanh như trái phiếu và khoản vay gắn với mục tiêu bền vững ngày càng trở nên phổ biến và dễ tiếp cận.
– Vậy lộ trình và giải pháp cụ thể nào nên được triển khai ở cấp độ toàn cầu để giúp các quốc gia và doanh nghiệp thích ứng hiệu quả?
Chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng quá trình chuyển đổi xanh trong ngành logistics cần được dẫn dắt bởi một lộ trình bao trùm và có sự phối hợp toàn cầu, tạo điều kiện cho cả các nền kinh tế phát triển lẫn đang phát triển, doanh nghiệp lớn và nhỏ cùng tham gia tích cực vào việc xây dựng hệ sinh thái cung ứng bền vững hơn.
Trọng tâm của lộ trình này nằm ở việc hài hòa hóa các khung đo lường, báo cáo và kiểm định phát thải. FIATA đã và đang tích cực hỗ trợ các nỗ lực phát triển phương pháp luận tính toán carbon chuẩn mực, đồng thời thúc đẩy các giải pháp số để đơn giản hóa việc theo dõi phát thải.
Việc áp dụng vận tải đa phương thức cùng với số hóa chứng từ vận tải và đơn giản hóa thủ tục biên giới là một giải pháp tất yếu khác nhằm giảm phát thải.

Bên cạnh đó, FIATA thúc đẩy các biện pháp như hành lang xanh, ưu đãi cho các phương án logistics phát thải thấp và việc hài hòa các tiêu chí bền vững trong chính sách hải quan và vận tải.
Sau cùng, cần sự tích cực hợp tác của các tổ chức toàn cầu và nhiều đối tác khác, nhằm đảm bảo rằng cộng đồng giao nhận vận tải đóng vai trò chủ động trong việc định hình một tương lai logistics xanh hơn, vững vàng hơn.
Thông qua các tiêu chuẩn hài hòa, đầu tư chiến lược, đổi mới số và hợp tác liên ngành, chúng ta có thể xây dựng một hệ thống logistics không chỉ bền vững mà còn linh hoạt hơn, toàn diện hơn và sẵn sàng cho tương lai.
– Đại hội Thế giới Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận và Vận tải Quốc tế – FIATA World Congress 2025 tháng 10 tới đây sẽ mang lại cơ hội nào cho doanh nghiệp trong thúc đẩy chuyển đổi xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh?
FIATA World Congress 2025 là một sự kiện mang tính bước ngoặt, đóng vai trò như một nền tảng toàn cầu với hơn 1.200 đại biểu sẽ có cơ hội tiếp cận trực tiếp với công nghệ xanh, xu hướng chính sách mới và giải pháp số định hình tương lai ngành logistics.
Cùng với đó, then chốt của Đại hội chính là khả năng kết nối trực tiếp với các nhà lãnh đạo toàn cầu đang dẫn dắt quá trình chuyển đổi xanh, từ các nhà phát triển giải pháp vận tải không phát thải và công cụ số cho vận tải hàng hóa, đến các tổ chức tài chính xanh, đơn vị xây dựng tiêu chuẩn ESG và các tổ chức hoạch định chính sách vận tải đa phương thức.
Doanh nghiệp tại Việt Nam và trong khu vực sẽ hưởng lợi đáng kể từ sự hiện diện toàn cầu của sự kiện, góp phần làm nổi bật vai trò của Đông Nam Á như một trung tâm logistics năng động và đang phát triển nhanh chóng.
Đây cũng là dịp các doanh nghiệp Việt giới thiệu năng lực, thu hút đầu tư và thiết lập các mối quan hệ hợp tác quốc tế mới.
Sự kiện sẽ củng cố quan điểm phát triển bền vững không phải là một chi phí, mà là một lợi thế cạnh tranh.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Ngày 11/7, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức “Diễn đàn Logistics xanh – Sức bật trong biến động, kết nối cùng FIATA World Congress 2025” tại VCCI Tower, Hà Nội.
Thy Hằng – Thanh Trà (Diễn Đàn Doanh nghiệp)