Cấp thiết bảo vệ dữ liệu cá nhân – Bài cuối: Cần giải pháp quyết liệt hơn

Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đã thực sự báo động khi đang diễn ra phổ biến trên không gian mạng, bên cạnh việc người sử dụng chưa có ý thức tự bảo vệ thì hành lang pháp lý vẫn còn nhiều kẽ hở…

Cấp thiết bảo vệ dữ liệu cá nhân – Bài cuối: Cần giải pháp quyết liệt hơn

Việc bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân, ngăn chặn quấy rối qua điện thoại và những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này đang nhận được sự quan tâm rất lớn và cần các giải pháp quyết liệt hơn. Ảnh minh họa

Tại phiên họp bàn về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua, rất nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu vấn đề về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân để kinh doanh. Theo các đại biểu, việc bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân, ngăn chặn quấy rối qua điện thoại và những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này đang nhận được sự quan tâm rất lớn và cần các giải pháp quyết liệt hơn.

Nói như Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, những cuộc gọi, tin nhắn quấy rối, lừa đảo đã trở thành hiện tượng tương đối phổ biến trong xã hội, gây ra những phiền toái và bức xúc.

Đang dự một cuộc họp quan trọng, đang tập trung hoàn thành công việc, đang tham gia giao thông, hay thậm chí đang lúc ngủ ngon sau ca trực đêm vất vả, bỗng dưng có người gọi điện chào mời mua hàng hóa, dịch vụ. Đó là tình huống không ít người đã từng gặp phải và cảm thấy bực bội. Nguy hiểm hơn, trong xã hội đã xảy ra rất nhiều vụ việc gọi điện giả danh cơ quan nhà nước, cơ quan công an để lừa đảo, chiếm dụng của cải, tài khoản ngân hàng; tống tiền, đe dọa theo kiểu xã hội đen; chiếm dụng tài khoản mạng xã hội để lừa đảo người thân, bạn bè của chủ tài khoản… Nguyên nhân sâu xa được xác định là bắt nguồn từ tình trạng mua bán tràn lan dữ liệu thông tin cá nhân; lộ lọt thông tin cá nhân hay tấn công ăn cắp dữ liệu trực tuyến và tình trạng sim rác chưa được xử lý triệt để…

Để ngăn chặn tình trạng trên, các đạo luật liên quan đã có quy định tương đối rõ ràng. Cụ thể, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành dành nguyên Điều 6 quy định về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; khoản 4, Điều 3 nêu khái niệm quấy rối người tiêu dùng; khoản 2, Điều 10 quy định quấy rối người tiêu dùng là một trong các hành vi bị cấm. Tại khoản 5, Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng quy định cấm thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân. Luật này dành hẳn mục 2 tại chương II để quy định về bảo vệ thông tin cá nhân. Điểm b, khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự quy định phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm với người thực hiện hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Tuy nhiên, quy định của pháp luật đã có, nhưng việc thực thi những quy định ấy chưa thực sự hiệu quả, dẫn tới tình trạng đáng báo động như hiện nay.

Cấp thiết bảo vệ dữ liệu cá nhân – Bài cuối: Cần giải pháp quyết liệt hơn

Công an Phú Thọ thu giữ tang vật một vụ án mua bán dữ liệu cá nhân. Ảnh: CACC

Trước tình trạng này, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện những sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý của các bộ, ngành, địa phương và hoạt động của các tập đoàn, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập thông tin cá nhân. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức về cung cấp, quản lý hồ sơ cá nhân, dữ liệu cá nhân và người dân, nhất là tâm lý sẵn sàng đánh đổi thông tin đời tư, thông tin cá nhân để lấy sự tiện ích về mặt công nghệ.

Theo Nghị định 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng vừa được ban hành có hiệu lực kể từ ngày 1/10 tới đây, dữ liệu thông tin cá nhân của người dùng Internet tại Việt Nam phải được nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ trong nước. Bên cạnh đó, Nghị định 53 cũng quy định về trình tự, thủ tục yêu cầu lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam…

Tuy nhiên, Bộ Công an cũng chỉ ra rất rõ rằng, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân đang diễn ra phổ biến, công khai, nhiều hành vi chưa được xử lý vì thiếu quy định của pháp luật. Lổ hổng pháp lý là việc thiếu vắng cơ chế kiểm soát, bảo vệ dữ liệu cá nhân một cách toàn diện. Dù Việt Nam đã có khung pháp lý ở mức độ cơ bản về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng chưa thực sự theo kịp thực tiễn. Bộ Công an đang trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị chủ trương ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân; coi đây là giải pháp then chốt để phòng ngừa, đấu tranh với thực trạng buôn bán, xử lý dữ liệu cá nhân tràn lan như hiện nay. Lộ trình đến năm 2024 sẽ nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Trong ngắn hạn, dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi cũng sẽ góp phần bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân trên không gian mạng. Một khuôn khổ pháp lý hoàn thiện về bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất cần thiết để đảm bảo tôn trọng quyền công dân, góp phần cho nền kinh tế số được vận hành trên cơ sở dữ liệu trong thời đại hiện nay.

Trong giai đoạn chờ đợi nghị định về mặt dữ liệu cá nhân hoàn thiện, mỗi người cần tự nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường số, đảm bảo an toàn cho các tài khoản trực tuyến như tài khoản ngân hàng, ví điện tử, thư điện tử, Facebook…, nhằm ngăn chặn hành vi trộm cắp dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư và tránh được những hệ lụy, rủi ro phát sinh khi bị lộ, đánh cắp dữ liệu cá nhân.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button