Canh cánh nỗi lo thực phẩm “bẩn” mùa lễ hội

Đến hẹn lại lên, những ngày đầu xuân, tại các đền, chùa, khu di tích… luôn thu hút một lượng lớn du khách. Cũng từ đây, các cơ sở ăn uống mọc như “nấm sau mưa” tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm…

Canh cánh nỗi lo thực phẩm “bẩn” mùa lễ hội
Tại Phủ Tây Hồ, những khay bánh tôm được “phơi” ngay cạnh lối đi của hàng nghìn du khách mỗi ngày mà không có bất kỳ thiết bị gì che chắn bụi bặm

Theo báo cáo của Bộ Y tế, chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (tính từ ngày 8/2/2024 đến 14/2/2024), cả nước ghi nhận tổng số 616 ca khám, cấp cứu ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa; trong đó có 314 ca nhập viện theo dõi điều trị. Cùng với đó, tại tỉnh Bạc Liêu ghi nhận 1 vụ nghi ngờ ngộ độc rượu tại bữa tiệc gia đình xảy ra vào ngày 11/2/2024 làm 4 người nhập viện điều trị, trong đó có 2 người tử vong.

Những con số trên cho thấy, khi nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao thì nguy cơ mất an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm cũng gia tăng. Tuy nhiên, đến hẹn lại lo, mỗi mùa lễ hội đầu xuân, nguy cơ thực phẩm bẩn và ngộ độc thực phẩm vẫn luôn là nỗi lo thường trực.

Theo ghi nhận tại Phủ Tây Hồ những ngày đầu xuân, dọc đường đi từ khu vực bãi gửi xe đến Phủ Tây Hồ chỉ vài trăm mét nhưng có tới hàng trăm cơ sở kinh doanh thực phẩm mọc lên san sát hai bên đường để phục vụ du khách. Trong đó, bánh tôm và bún ốc là những món ăn không thể thiếu. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng đã thấy được những bất cập về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tiềm ẩn.

Tại nhiều cửa hàng, những khay bánh tôm vàng óng, chất đầy xếp chồng lên nhau được “phơi” ngay cạnh lối đi của hàng nghìn du khách mỗi ngày mà không có bất kỳ thiết bị gì che chắn bụi bặm. Tại các cửa hàng kinh doanh bún ốc, các nồi nước dùng nghi ngút khói cũng để phơi ngay cạnh đường đi. Lượng khách đến ăn hầu như đông chật từ sáng đến tối.

Tương tự tại Đền Gióng (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) từ ngày 13/2/2024 đã có một lượng khách đến đây rất đông. Ngay phía ngoài cổng và trong khuôn viên, các quán hàng, gánh hàng rong bày bán các mặt hàng như: Bỏng, chè lam, xúc xích, thịt viên chiên, nước mía… không được che đậy hay bảo quản, tất cả đều được “phơi trần” để mời gọi du khách.

Canh cánh nỗi lo thực phẩm “bẩn” mùa lễ hội
Những món ăn được “phơi trần” để mời gọi du khách tại Đền Gióng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội)

Trao đổi xung quanh câu chuyện này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, những thực phẩm có nguồn gốc động vật, giàu đạm, dầu như thịt, hải sản, sữa rất dễ bị ôi thiu, chỉ cần sơ suất nhỏ trong chế biến, bảo quản là vi khuẩn phát triển. Bởi vậy, ý thức của người bán cần được nâng cao để tránh cho du khách các nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Hơn nữa, để loại bỏ hàm lượng độc tố, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư bám trên rau cần phải rửa sạch nhiều lần dưới dòng nước chảy.

“Thế nhưng, tại các quán ăn tự phát, mang tính thời vụ, số lượng rau sử dụng lớn, nguồn nước lại hạn chế, nên hầu hết chỉ rửa qua loa, do đó, nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, khoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã nhấn mạnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm; kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Theo đó, từ ngày 20/12/2023 đến 15/3/2024, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm tổ chức 5 đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị… có các mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Giáp Thìn và các lễ hội. Các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiến hành tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình, TP.HCM, Bình Dương, Kon Tum, Gia Lai, Thái Nguyên, Bắc Kạn.

Thiết nghĩ, không chỉ trong dịp lễ hội đầu năm, thực phẩm bẩn là vấn nạn diễn ra quanh năm, do đó, các cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh hơn trong việc xử lý nhằm răn đe, ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn bán ra thị trường. Khi phát hiện vi phạm về thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc phải xử phạt thật nặng như thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm, thậm chí có thể khởi tố hình sự.

Cùng với đó, cũng cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của những người sản xuất, buôn bán thực phẩm. Đây là điều rất quan trọng, bởi người tiêu dùng không thể phân biệt tất cả các loại nhãn hàng, mà cần đến lương tri của những người bán.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button