Cảnh báo IUU – Sắp đến giờ “G”

Địa phương nào không hoàn thành nhiệm vụ về IUU, Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chiều 28/8.

Cảnh báo IUU - Sắp đến giờ “G”
Cảnh báo “Thẻ vàng” tại đợt thanh tra lần thứ 5 của Đoàn Thanh tra của EC dự kiến vào tháng 10/2024. Ảnh minh hoạ

Chỉ rõ mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” tại đợt thanh tra lần thứ 5 của Đoàn Thanh tra của EC dự kiến vào tháng 10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mục tiêu chống khai thác IUU, gỡ thẻ vàng đã có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan, các lực lượng chức năng, cấp uỷ, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tinh thần yêu nước, thương dân.

Thống nhất nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hành động quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, với 3 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, giám sát, quản lý chặt chẽ các đội tàu, không để vi phạm IUU và dứt điểm xử lý tàu cá 3 không, cụ thể không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép.

Thứ hai, rà soát, phân loại, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm hành chính thì xử lý hành chính, vi phạm hình sự thì xử lý hình sự.

Thứ ba, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc và xử lý nếu vi phạm.

Bình luận về quy định IUU của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam, theo TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ một trong những nguyên nhân dẫn đến IUU là do Biển Đông đang tồn tại các vùng chồng lấn chưa được phân định rõ ràng, nhiều ngư dân chưa biết vùng được phép đánh cá đến đâu.

“Do đó, các cơ quan chức năng phải làm rõ và thông tin vấn đề này, không vội vàng kết luận ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trái phép”, TS Trần Công Trục nói.

GS, TS Ngô Hữu Phước, giảng viên Trường Kinh tế – Luật TP. HCM đánh giá mỗi năm IUU gây thiệt hại từ 11 – 26 triệu tấn cá, thiệt hại 20% tổng giá trị sản lượng thuỷ sản cho các quốc gia Đông Nam Á.

Việc đánh bắt trái phép trong các khu vực bảo tồn, loài có nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng, đánh bắt bằng công cụ, phương pháp tận diệt… gây tổn hại nghiêm trọng môi trường và hệ sinh thái biển.

Cảnh báo IUU - Sắp đến giờ “G”
Việc đánh bắt trái phép trong các khu vực bảo tồn, loài có nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng, đánh bắt bằng công cụ, phương pháp tận diệt… gây tổn hại nghiêm trọng môi trường và hệ sinh thái biển. Ảnh minh hoạ

Từ đó, GS, TS Ngô Hữu Phước khuyến nghị cần nghiên cứu xây dựng luật khai thác thủy sản trên biển hoặc luật về nghề cá, ký kết Hiệp định nghề cá mới trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc thay cho hiệp định cũ đã hết hiệu lực từ 30/6/2020. Khuyến nghị các quốc gia trong khu vực Biển Đông đàm phán để phân định các vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn…

Bà Nguyễn Hoàng Anh Thư, nghiên cứu viên của chương trình Blue Security (Blue Security Fellow) tại Đại học La Trobe (Australia) nhận định, nhìn chung công tác chống khai thác IUU của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn một số hạn chế cần được giải quyết để sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng.”

Một là, Việt Nam nên kiểm tra chặt chẽ và đảm bảo 100% tàu cá từ 15m trở lên được lắp đặt VMS khi tham gia khai thác trên biển. Các lực lượng chức năng cần rà soát và xử lý triệt để các trường hợp tàu cá vi phạm quy định về VMS.

Hai là, mặc dù Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng việc thực thi ở cấp độ địa phương còn chưa đồng đều. Do đó, lãnh đạo và ngư dân ở các địa phương cần tăng cường phối hợp và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo nhằm phòng, chống khai thác IUU.

Ba là, việc chống khai thác IUU cần sự chung tay và nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Việt Nam nên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các quốc gia, tổ chức quốc tế liên quan và thường xuyên trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn trong việc chống khai thác IUU.

“Về lâu dài, Việt Nam cần chú trọng chính sách nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, mở rộng các khu bảo tồn biển, nâng cao đời sống và cải thiện sinh kế cho cộng đồng ngư dân”, bà Nguyễn Hoàng Anh Thư đề xuất.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Back to top button