Cần thời gian để ổn định thị trường vàng
Thị trường vàng là một mảnh ghép đặc biệt của thị trường tài chính, tiền tệ. Do nhu cầu quá lớn dẫn đến áp lực tương đối cao, nên chúng ta cần có thời gian để điều chỉnh.
Giá vàng thế giới biến động mạnh
Đà tăng của giá vàng thế giới tiếp tục với giá giao ngay đạt mức cao kỷ lục 2.298,5 USD/ounce vào sáng ngày 4/4 (theo giờ Việt Nam); Giá vàng giao tương lai tháng 6/2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.321,1 USD/ounce.
Ông Warren Patterson, Trưởng phòng Chiến lược Hàng hóa tại ING cho rằng giá vàng giao ngay tăng cao sau dữ liệu lạm phát từ Mỹ vào cuối tuần trước. Tuy nhiên, dữ liệu sản xuất công nghiệp tháng 3 của Mỹ mạnh hơn mong đợi đã làm giảm đà tăng của vàng khi phiên giao dịch diễn ra.
Sự mở rộng bất ngờ trong hoạt động của các nhà máy sẽ đặt ra câu hỏi về kỳ vọng của thị trường đối với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liệu có cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới.
“Trong tuần này, giá vàng còn biến động mạnh, đặc biệt khi báo cáo việc làm của Mỹ sắp công bố. Vàng hiện vẫn nằm trong vùng quá mua, do đó chắc chắn có khả năng xảy ra sự thoái lui trong ngắn hạn nếu chúng ta nhận được báo cáo việc làm tốt vào thứ Sáu này.
Trong khi đó, việc nắm giữ vàng của các quỹ ETF tiếp tục không phù hợp với hành động giá, khi tỷ lệ nắm giữ đã giảm. Có rất nhiều dư địa để các nhà đầu tư mua vào trên thị trường vàng, nhưng chúng ta cần đợi đến lúc Fed thực sự bắt đầu cắt giảm lãi suất, trước khi các nhà đầu tư tham gia hoàn toàn vào thị trường”, ông Warren Patterson phân tích.
Còn theo công bố mới nhất từ ADP, thị trường lao động Mỹ đã chứng kiến sự bùng nổ khi tạo ra 184.000 việc làm mới trong tháng 3, vượt qua dự báo ban đầu là 148.000. Điều này phản ánh động lực tích cực của nền kinh tế Mỹ, ngụ ý rằng khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong các cuộc họp vào tháng 5, tháng 6 trở nên kém khả thi hơn.
Một nền kinh tế mạnh mẽ hỗ trợ giá trị của đồng USD leo cao cũng đồng thời tạo áp lực lên giá vàng, vốn thường đi ngược với đồng bạc xanh. Kết quả là triển vọng của thị trường vàng trở nên ít sáng sủa, trong bối cảnh các nhà đầu tư và các nhà phân tích kỹ thuật đánh giá lại vị thế của họ dựa trên những diễn biến kinh tế mới nhất.
Cần thời gian ổn định
Trong nước, giá vàng miếng SJC đang giao dịch quanh ngưỡng 81 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới đã có sự thu hẹp đáng kể, từ mức 18-20 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2023 đầu năm 2024, xuống còn dưới 12 triệu đồng/lượng ở thời điểm hiện tại. Điều này cho thấy sự thích nghi và điều chỉnh giá của thị trường vàng trong nước hướng tới cân bằng, ổn định hơn.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu giảm bớt khoảng cách giữa giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế.
Động thái này cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của Chính phủ đối với việc ổn định thị trường vàng và hệ thống tài chính quốc gia, cũng như nỗ lực nhằm đảm bảo giá vàng trong nước phản ánh chính xác xu hướng giá vàng toàn cầu. Sự chênh lệch giữa hai mức giá này không chỉ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và người tiêu dùng trong nước, mà còn có thể tạo ra cơ hội cho các hoạt động đầu cơ, buôn lậu vàng,… từ đó gây rủi ro cho nền kinh tế.
Về những tồn tại trên thị trường vàng, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính cho rằng, chúng ta không thể sửa tận gốc ngay lập tức các vấn đề của thị trường. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vàng; và ngay cả Bộ Tài chính, Bộ Công an cũng vào cuộc để làm cho thị trường ngày càng tốt hơn.
Để bình ổn trên thị trường vàng cũng như đảm bảo an ninh tài chính, trước hết, phải thừa nhận Nghị định 24/2012 đã giải quyết được vấn đề rất quan trọng là chống vàng hóa. Suốt từ năm 2012 đến nay, vàng không còn được coi như một loại tiền tệ để đo giá trị hàng hóa nữa, mà thị trường vàng chỉ là một mảnh ghép đặc biệt của thị trường tài chính, tiền tệ.
Do đó, chúng ta cần có nghiên cứu, đưa ra cơ chế xây dựng thị trường vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân, nhưng phải đảm bảo dưới sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế, do nhu cầu quá lớn dẫn đến áp lực tương đối cao nên chúng ta cần có thời gian để điều chỉnh.
“Trong thời gian tới, giá vàng thế giới sẽ có cơ hội để về lại quanh mốc 2.000 USD/ounce, khi đó, giá vàng Việt Nam cũng sẽ giảm. Có thể nói giá vàng trong nước hiện nay đã quá cao, bên cạnh việc chênh lệch lớn với giá vàng thế giới thì chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra cũng ở mức cao. Các nhà đầu tư nên xem xét hoạt động mua bán phù hợp, để vừa đảm bảo giá trị tài sản của mình và cũng vừa sử dụng đồng tiền một cách hiệu quả cho đầu tư vào sản xuất, kinh doanh,… giúp tăng trưởng, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội”, vị chuyên gia khuyến nghị.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn