Cần phân cấp mạnh và cơ chế một cửa trong phát triển nhà ở xã hội

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Tham gia thảo luận Dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị, cần tiếp tục phân cấp, phân quyền cho địa phương, đặc biệt là các cơ quan nhân dân cấp tỉnh.

Cần phân cấp mạnh và cơ chế một cửa trong phát triển nhà ở xã hội
Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia góp ý Dự thảo Nghị quyết tại hội trường – Ảnh: Media Quốc hội

“Nên cho phép địa phương có thêm quyền quyết định, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng và công an, vì các cơ quan chuyên môn đã có đầy đủ năng lực thực hiện”, đại biểu đề xuất.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu về những người đủ điều kiện để ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, cần xây dựng các bộ hồ sơ mẫu để thống nhất thủ tục cấp phép và điều kiện đăng ký nhà ở xã hội.

Về thủ tục, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, nhiều quy trình đã được tối ưu, nhưng vẫn cần bổ sung quy định cho phép nhà đầu tư góp quyền sử dụng đất để nhận lại nhà ở xã hội thành phẩm.

“Cơ chế này giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho doanh nghiệp”, đại biểu Trịnh Xuân An cho hay.

Đồng thời đề xuất, bổ sung cơ chế “một cửa, một đầu mối”, giao cho Sở Xây dựng địa phương là đầu mối duy nhất xử lý toàn bộ thủ tục liên quan đến nhà ở xã hội, kể cả về phòng cháy, chữa cháy và điều chỉnh quy hoạch. Cùng với đó, cần quy định rõ thời gian cấp phép, tối đa là 90 ngày, thay vì kéo dài từ 18 – 24 tháng như hiện nay.

Cần phân cấp mạnh và cơ chế một cửa trong phát triển nhà ở xã hội
Đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh tham gia góp ý Dự thảo Nghị quyết tại hội trường – Ảnh: Media Quốc hội

Ngoài ra, liên quan đến giá nhà ở xã hội, đại biểu đề xuất tách riêng giá bán, giá thuê và giá thuê mua. Đồng thời, để doanh nghiệp chủ động xác định giá, nhưng cần có cơ chế đối chiếu, thẩm định giá để đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan.

Để tăng tính chủ động trong phát triển nhà ở xã hội, tham gia thảo luận Dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đề xuất, bổ sung quy định tạo điều kiện cho UBND cấp tỉnh linh hoạt trong việc bố trí quỹ đất và bổ sung Quỹ nhà ở quốc gia để phát triển nhà ở xã hội phù hợp với thực tế.

Theo đại biểu, một số địa phương đã bố trí đủ quỹ đất dành cho nhà ở xã hội nhưng lại thiếu nguồn lực triển khai xây dựng. Việc tiếp tục xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất do chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại bàn giao sẽ gây lãng phí, kém hiệu quả. Vì vậy, cần có cơ chế cho UBND tỉnh được điều chỉnh các quỹ đất này thành đất xây dựng nhà ở thương mại và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để bổ sung Quỹ nhà ở quốc gia.

Cụ thể, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị bổ sung khoản 6 tại Điều 12 Nghị quyết theo hướng, UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện của địa phương xem xét và quyết định cho phép các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã được quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, chấp thuận đầu tư trước ngày Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 có hiệu lực thi hành không phải bố trí quỹ đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội và được đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư.

Đồng thời, UBND cấp tỉnh sẽ điều chỉnh quy hoạch đối với phần diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại do chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại bàn giao để xây dựng nhà ở xã hội sang xây dựng nhà ở thương mại và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất này sau khi điều chỉnh quy hoạch để bổ sung vào Quỹ nhà ở quốc gia.

Gia Nguyễn – Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Để lại một bình luận

Back to top button