Cần một nền tảng pháp lý thống nhất để đấu giá minh bạch
Việc trả giá tại các phiên đấu giá cao ngất ngưởng rồi bỏ cọc, hay những tiêu cực như thông đồng, dìm giá… là những nét vẽ không đẹp trong hoạt động đấu giá gây bức xúc dư luận trong thời gian qua…
Theo đó, việc trả giá cao gấp hàng chục, hàng trăm lần so với giá khởi điểm rồi bỏ cọc là thực tế đã tạo tiền lệ xấu cho nhiều cuộc đấu giá tài sản. Điển hình như mới đây, dư luận xôn xao liệu một kịch bản tương tự có xảy ra đối với 3 mỏ cát vừa trúng đấu giá gần 1.700 tỷ đồng tại Hà Nội. Trong đó, mỏ Châu Sơn trúng thầu với giá cao gấp khoảng 140 lần mức giá khởi điểm, mỏ Tây Đằng – Minh Châu gấp khoảng 46 lần và mỏ Liên Mạc gấp khoảng 204 lần. Đáng chú ý, một doanh nghiệp trúng đấu giá tại mỏ Liên Mạc với giá hơn 400 tỷ đồng lại chỉ mới được “khai sinh” ngay trước phiên đấu giá này chưa đầy 2 tháng.
Trước đó, dư luận cả nước cũng từng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi năm 2022 Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá lô đất số 3-12 (Khu đô thị Thủ Thiêm) với giá 24.500 tỷ đồng (tương đương 2,43 tỷ đồng/m2), gấp 8,3 lần giá khởi điểm, rồi bỏ cọc, đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá và chấp nhận mất số tiền cọc lên tới 600 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đưa ra đấu giá 12 mỏ cát, mức giá đấu được nhiều đơn vị đẩy lên cao ngất để trúng đấu giá, rồi trả mỏ, bỏ cọc rất nhanh sau đó.
Trước những bất cập của hoạt động đấu giá tài sản, ngay khi Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được đưa ra bàn thảo lần đầu và đã làm nóng nghị trường Quốc hội, một số ý kiến cho rằng, việc quy định tiền đặt trước (sau khi trúng đấu giá sẽ là tiền đặt cọc) nếu hợp lý sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để hạn chế tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá, bởi việc nộp tiền cọc nếu lên tới hàng trăm tỷ đồng thay vì vài trăm triệu, vài tỷ đồng thì chắc chắn người tham gia đấu giá sẽ rất thận trọng khi trả giá đấu giá và đắn đo nếu bỏ cọc.
Cùng với đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định nghiêm cấm người tham gia đấu giá tài sản không đủ nguồn lực tài chính, sử dụng nguồn lực tài chính không minh bạch để tham gia đấu giá, hay việc liên kết nhận ủy quyền tham gia đấu giá, trả giá cho bên thứ hai, thứ ba. Từ đó khắc phục tình trạng nhũng nhiễu trong đấu giá quyền sử dụng đất bằng nguồn vốn thiếu minh bạch, người tham gia đấu giá trả giá cao ngất rồi bỏ cọc, bóp méo thị trường đất đai, hoặc giành giật quyền mua tài sản phi vật thể, giá trị kinh tế, thương mại, an ninh, xã hội rất lớn, tuy không bỏ cọc nhưng không có đủ nguồn lực để triển khai dự án, mua rồi để đấy, chờ thời cơ sang nhượng, liên kết hay chuyển đổi.
Một trong những lỗ hổng pháp lý trong thực tiễn đấu giá tài sản nói chung được nhiều chuyên gia nhấn mạnh là thiếu đồng bộ giữa quy định của pháp luật về đấu giá tài sản với các pháp luật có liên quan, cần phải nghiên cứu, sửa đổi đồng bộ thì mới mong lấp đầy được các kẽ hở trong hoạt động này.
Theo ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý phân tích, các loại tài sản công được đưa ra bán đấu giá rất đa dạng, trong khi Luật Đấu giá tài sản chỉ là “luật hình thức” nên đôi khi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đặc biệt khi đấu giá một số tài sản đặc thù như: quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện… Do đó, thời gian qua có tình trạng đấu giá “cuội” với mục đích tham gia đấu giá không phải để mua được tài sản, mà chủ yếu là nâng giá đất cao rồi bỏ cọc với mục đích làm nhiễu loạn thị trường, tạo mặt bằng giá mới, thổi giá đất khu vực lân cận… Trong bối cảnh ấy, với cách thiết kế của Luật Đấu giá tài sản hiện nay sẽ không bao quát được vấn đề biến tướng như vậy.
“Trên thực tế, một cuộc đấu giá tài sản có 3 giai đoạn thực hiện (giai đoạn trước, trong và sau cuộc đấu giá) và Luật Đấu giá tài sản chỉ điều chỉnh, ứng xử với chủ thể tham gia đấu giá ở giai đoạn trong (thực hiện) cuộc đấu giá; 2 giai đoạn còn lại được điều chỉnh bởi các pháp luật chuyên ngành. Sự “phân mảnh” của pháp luật đã tạo khó khăn và khe hở trong việc thực thi pháp luật của các cơ quan. Như vậy, cần thiết có sự tham gia, sửa đổi nhiều văn bản pháp lý chứ không riêng Luật Đấu giá tài sản mới giải quyết triệt để các vấn đề liên quan tới đấu giá”, ông Đỉnh khẳng định.
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, ông Đỉnh cho rằng, cần quan tâm đến chất lượng khâu thực thi pháp luật cũng như xử lý vi phạm (nếu có). Cụ thể, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, thậm chí điều tra để kịp thời phát hiện những dấu hiệu của một cuộc đấu giá bất thường; áp dụng các chế tài đủ mạnh cả về hành chính, hình sự để xử lý vi phạm. Đây là yêu cầu quan trọng để đảm bảo cuộc đấu giá được diễn ra một cách minh bạch và đúng bản chất là phương thức bán tài sản với giá tốt nhất, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, đấu giá trực tuyến thời gian tới phải được tăng cường. Hiệu quả của đấu giá trực tuyến có thể thấy rõ từ câu chuyện đấu giá biển số xe ô tô trong năm 2023. “Với việc đấu giá trực tuyến biển số xe, các chủ thể trả giá công khai biển số xe đẹp, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Đó là lợi thế của đấu giá trực tuyến, việc thông đồng, “quân xanh, quân đỏ” được hạn chế nhiều”, ông Đỉnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài Chính cũng cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản, bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.