Cần dịch chuyển lực lượng lao động một cách linh hoạt theo cung cầu của thị trường

Tình trạng cắt giảm lao động trên quy mô diện rộng đang là vấn đề nóng hiện nay trên thị trường lao động, đặc biệt trong ngành sản xuất dệt may, da giầy…
Theo ông Trần Đình Hải, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến cuối năm nay, hơn 240 nghìn lao động trong ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ… bị thiếu việc làm do doanh nghiệp cắt giảm sản xuất hoặc chờ đơn hàng.
Cần dịch chuyển lực lượng lao động một cách linh hoạt theo cung cầu của thị trường
Hàng trăm nghìn lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp cắt giảm lao động. Ảnh: Vũ Phường
Nguyên nhân nào?
Theo ông Hải, thứ nhất, do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, nhu cầu về khẩu trang y tế và quần áo bảo hộ tăng đột biến. Việt Nam lại là công xưởng của thế giới về sản xuất may mặc, giầy da. Các đơn hàng đổ dồn về Việt Nam nhanh chóng, dẫn đến nhu cầu về lao động và quy mô sản xuất tăng đột biến để đáp ứng nhu cầu đơn đặt hàng. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các nước có dịch bệnh cũng dần tự chủ được nguồn cung, nhu cầu về khẩu trang và quần áo bảo hộ  giảm đáng kể, các đơn đặt hàng quốc tế từ đó cũng giảm dần theo cung – cầu của thị trường dẫn đến nguồn cầu lao động trong lĩnh vực dệt may, da giầy cũng giảm theo.
Từ đó, buộc các nhà sản xuất phải tìm đơn hàng mới thay thế các đơn hàng cũ đã hoàn thành hoặc cắt giảm lao động cũng như quy mô sản xuất. Nhà sản xuất không thể gồng gánh và buộc phải cắt giảm quy mô sản xuất để tồn tại.
Thứ hai, sau đại dịch, nền kinh tế thế giới bước vào suy thoái, thu nhập của người dân giảm đi, giá cả tăng lên (do lạm phát toàn cầu, chính sách tiền tệ bị thắt chặt dẫn đến lãi suất vay cho hoạt động sản xuất kinh doanh tăng; chiến tranh Nga – Ukraine bùng phát dẫn đến giá dầu thế giới tăng cao làm tăng chi phí đầu vào, đứt gãy một phần chuỗi cung ứng, tăng giá thành sản xuất…) làm cho người dân phải cắt giảm chi tiêu. Theo đó, nhu cầu về hàng hóa giảm đáng kể, các đơn hàng được sản xuất ra không thể tiêu thụ như kỳ vọng, dư (thừa) cung hàng hóa dẫn tới nhiều hàng tồn kho, buộc các nhà máy phải cắt giảm sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng để xử lý hết hàng tồn kho và chờ đơn hàng mới, làm cho công nhân không có việc làm nên bị thất nghiệp kéo dài.
Cần dịch chuyển lực lượng lao động một cách linh hoạt theo cung cầu của thị trường
Không thể gồng gánh, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động. Ảnh: Vũ Phường

Thứ ba, do thị trường tài chính và bất động sản giảm sút ảnh hưởng dây chuyền lớn đến các ngành nghề khác như chế biến nội thất, đồ gỗ, sắt thép, nhôm kính, vật liệu xây dựng… Lượng đơn hàng bị cắt giảm khiến công nhân kỹ thuật không có việc để làm, các nhà máy phải cắt giảm nhân công, thu hẹp quy mô sản xuất để cầm chừng, chờ thời kỳ suy thoái qua đi và chờ tìm đơn hàng mới….

Thứ tư, quá trình chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ sau đại dịch và cơ giới hóa, tự động hóa trong nông – lâm nghiệp đang diễn ra nhanh chóng để tăng chất lượng, số lượng sản phẩm, giảm thời gian thu hoạch sản xuất, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh khiến cho nhu cầu về lao động phổ thông, lao động truyền thống giảm đi đáng kể. Đơn cử, việc máy gặt, máy cấy, máy sấy… ra đời đã giảm đi đáng kể nhu cầu lao động nông – lâm nghiệp truyền thống, khiến cho lượng lớn lao động thời vụ cũng rơi vào tình trạng không có việc làm…

Cần dịch chuyển lực lượng lao động một cách linh hoạt theo cung cầu của thị trường
Cơ giới hóa nông nghiệp làm giảm đáng kể thời gian và nhân lực cho ngành nông nghiệp

Đi tìm giải pháp

Trao đổi với báo chí, chuyên gia lao động Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc tìm ra giải pháp tháo gỡ cho lực lượng lao động hiện nay là vô cùng quan trọng, tránh tình trạng mất cân đối trong cơ cấu lực lượng lao động. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho lao động thất nghiệp…

Do đó, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Đình Hải cũng cho rằng, việc đầu tiên là tăng cường đào tạo nhằm nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động mới đáp ứng được yêu cầu công việc của người sử dụng lao động trong tình hình mới. Để làm được điều đó chúng ta phải thực hiện đồng thời rất nhiều biện pháp cụ thể, trước tiên là cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa để thu hút vốn FDI và đẩy mạnh việc xuất khẩu lao động sang các thị trường tiềm năng nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Cần dịch chuyển lực lượng lao động một cách linh hoạt theo cung cầu của thị trường
Chi phí đào tạo và giá vé máy bay cũng là một trở ngại lớn cho đối tượng lao động có hoàn cảnh khó khăn

Ngoài ra, cần có chính sách tuyên truyền mạnh mẽ về lợi ích của việc đi xuất khẩu lao động cho mọi người biết và hỗ trợ tốt hơn nữa về chi phí đào tạo nghề, giá vé máy bay đi xuất khẩu lao động, nhất là đối với những đối tượng lao động có hoàn cảnh khó khăn như hộ nghèo, cận nghèo để họ có thêm cơ hội được đi xuất khẩu lao động…

Thứ đến là giảm giá thành sản phẩm, tăng chất lượng hàng hóa sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh và kích cầu tiêu dùng của người dân. Việc giảm giá thành sản phẩm có liên quan đến rất nhiều yếu tố như chi phí nguyên liệu đầu vào bao gồm năng lượng (xăng dầu, điện…) phục vụ sản xuất, chi phí vận chuyển logistic… Để giảm được giá điện và giá xăng dầu, chi phí cầu đường thì Nhà nước cần phải có chính sách ưu đãi đặc biệt như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng xăng dầu, giảm phí cầu đường, giảm giá điện cho hoạt động vận tải và sản xuất kinh doanh trong một thời gian nhất định (gói kích cầu) để phục hồi nền kinh tế. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại với các đối tác quốc tế để không ngừng mở rộng thị trường cho hàng hóa sản phẩm của doanh nghiệp, tạo thêm đơn hàng mới, từ đó sẽ tạo thêm việc làm cho công nhân, cho nhà máy sản xuất.

Song, về lâu dài thì chúng ta vẫn phải ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo và đầu tư mở rộng, nâng cấp mạng lưới đường sắt, đường thủy nội địa để có thể tận dụng được ưu điểm vận tải hàng hóa số lượng lớn, giảm áp lực cho đường bộ nhằm giảm chi phí vận tải logistics…, ông Hải cho hay.

VĂN QUÝ

 

 

 

Bài Viết Liên Quan

Back to top button