Cần có cơ quan đánh giá giá nhiên liệu độc lập ngoài EVN

Điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần được cho là phù hợp với sự biến động liên tục của thị trường điện, thế nhưng, theo chuyên gia, cần có cơ quan đánh giá giá nhiên liệu độc lập ngoài EVN…

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương góp ý Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Cần có cơ quan đánh giá giá nhiên liệu độc lập ngoài EVN

EVN đồng tình với thẩm quyền và rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện tại Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 24/2017/QĐ-TTg mà Bộ Công Thương đã đưa ra lấy ý kiến – Ảnh minh họa

Tại nội dung văn bản, EVN cho biết, đơn vị đồng tình với thẩm quyền và rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện.

Theo đó, khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá hiện hành, EVN sẽ giảm giá điện, nếu giá điện bình quân tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được tăng giá ở mức tương ứng. EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp giá điện tăng từ 5% đến dưới 10%, thẩm quyền quyết định tăng giá sẽ do Bộ Công Thương quyết định. Còn với mức tăng giá bán lẻ bình quân trên 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.

EVN cũng đồng ý với tần suất điều chỉnh giá tối thiểu 3 tháng/lần và mức tăng hoặc giảm giá điện bình quân trong khung giá do Thủ tướng quy định. Việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện hằng năm do Bộ Công Thương chủ trì, trên cơ sở báo cáo chi phí sản xuất, tài chính của công ty mẹ và các đơn vị thành viên đã kiểm toán độc lập của EVN.

Ngoài những nội dung đã nêu, EVN đề nghị sửa phương pháp tính giá bán điện bình quân.

Cụ thể, EVN đề nghị chi phí khâu “truyền tải điện” được sửa thành “chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện” và bổ sung chi phí điều độ hệ thống, điều hành giao dịch thị trường điện. Việc này được cho là nhằm phù hợp với việc chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ EVN về Bộ Công Thương; cập nhật kịp thời các chi phí biến động cấu thành giá sản xuất điện trên thị trường.

Cần có cơ quan đánh giá giá nhiên liệu độc lập ngoài EVN

Dù đánh giá cao những đề xuất tại Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 24/2017/QĐ-TTg, thế nhưng, theo chuyên gia, nên thành lập Hội đồng năng lượng độc lập, ngoài EVN nhằm đánh giá giá nhiên liệu đầu vào để điều chỉnh đầu ra. – Ảnh minh họa: ITN

Đánh giá về các đề xuất xoay quanh nội dung Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 24/2017/QĐ-TTg, không ít ý kiến cho rằng, đây là bước đi quan trọng để hướng tới một thị trường điện tăng, giảm giá theo cung cầu, đồng thời, giúp ngành điện thu hút thêm nguồn vốn đầu tư để xây dựng các nhà máy điện mới theo Quy hoạch điện VIII. Thế nhưng, ngoài việc minh bạch thông tin, vẫn cần phải có cơ quan đánh giá giá nhiên liệu độc lập ngoài EVN.

Thông tin với báo chí, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình nhìn nhận, tuy đề xuất thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện 3 tháng/lần là theo đúng cơ chế thị trường, nhưng hiện Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành từ năm 2017 cho phép thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất cũng chưa thực hiện được vì EVN không dám tự điều chỉnh giá điện.

Theo vị chuyên gia này, về mặt thị trường điện, trong khối ASEAN, số quốc gia điều chỉnh giá điện từ 3-4 tháng chiếm số lượng nhiều nhất. Điều chỉnh giá điện 3 tháng cũng được, nhưng vấn đề đặt ra là phải làm sao để công khai, minh bạch. Để làm được điều đó, theo tôi, phương án tốt nhất là Việt Nam nên thành lập Hội đồng năng lượng độc lập, ngoài EVN nhằm đánh giá giá nhiên liệu đầu vào để điều chỉnh đầu ra.

“Tôi nghĩ rằng, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương nên làm việc, mời thêm những chuyên gia đầu ngành về năng lượng và giá do Chính phủ chỉ định, để quyết định việc điều chỉnh giá điện. Trường hợp, nếu giá than biến động mạnh thì có thể điều chỉnh 3 tháng/lần, còn không thì điều chỉnh 6 tháng/lần để tránh giật cục”, vị chuyên này bày tỏ.

Cũng theo chuyên gia Đào Nhật Đình, khi điều chỉnh giá điện, cần lấy giá nguyên liệu để làm chuẩn. Ví dụ như Singapore lấy giá gas (xuất ở cảng Singapoore) làm chuẩn, ở Thái Lan do Nhà Vua chỉ định nhưng cũng lấy giá gas làm chuẩn. Còn ở Việt Nam, tính chất nguyên liệu có đặc thù khác, do vậy, cần lấy giá than của Indonesia làm chuẩn, bởi than của Indonesia là than nhiệt (phù hợp với nhiệt điện ở Việt Nam), còn than của Austrailia chủ yếu là than đá, không phù hợp với nhiệt điện ở Việt Nam.

“Việc điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần không nhất thiết phải điều chỉnh toàn bộ bảng giá mà có thể đặt ra phụ trợ nhiên liệu, khi nào giá than tăng thì giá điện cũng tăng theo và ngược lại, khi giá than giảm thì giá điện cũng phải giảm theo”, chuyên gia Đào Nhật Đình chia sẻ.

Còn theo GS.TS Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, điều đầu tiên là phải tránh độc quyền bán buôn, bán lẻ điện, do đó, cần phải có ngay thị trường điện cạnh tranh, thị trường này có 3 khâu quan trọng: Phát điện, bán buôn và bán lẻ. Bên cạnh đó, để có thị trường bán buôn điện cạnh tranh đúng nghĩa, cần có sự xuất hiện của những doanh nghiệp, công ty mua bán điện ngoài EVN để tham gia cạnh tranh.

Liên quan đến nội dung Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 24/QĐ-TTg về việc giao EVN điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần, trước đó, không ít ý kiến cũng cho rằng, nếu đề xuất được thông qua và đưa vào áp dụng, các thông tin trong ngành điện cần được công khai minh bạch bằng nhiều hình thức như báo cáo đến cơ quan chức năng, các thông tin vận hành hệ thống điện và thị trường điện… để các bên liên quan, người dân nắm bắt dễ dàng, chính xác và đóng góp ý kiến phản biện, tăng cường quản lý thông tin và giám sát, tránh việc cứ than lỗ và đề xuất tăng giá điện mà người dân không rõ lý do cụ thể, chi tiết.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button