Cần có chế tài xử lý mạnh sách lậu, sách giả hiên ngang “bùng nổ” trên mạng xã hội
Sách giả, sách lậu vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của ngành xuất bản kể từ khi ra đời. Nó đã trở thành vấn nạn, tác động trực tiếp tới sự phát triển, tồn vong của các đơn vị xuất bản. Đặc biệt hiện nay, khi cuộc sống ngày càng hiện đại, các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng phát triển thì cuộc chiến với sách giả, sách lậu trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, khi hình thức lan truyền sách giả, sách lậu ngày càng “đa dạng” và bùng nổ trên không gian mạng.
Buôn bán sách giả, sách lậu trên mạng rất khó kiểm soát
Nếu nhiều năm trước, sách giả, sách lậu chỉ xuất hiện ở hình thức bày tràn lan tại các vỉa hè hay len lỏi vào các cửa hàng sách, thì nay, khi các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, giao dịch online phát triển lại vô tình tạo “sức sống mới” cho sách giả, sách lậu dễ dàng thâm nhập vào thị trường.
Theo ghi nhận, thị trường sách trên mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, đa dạng về hình thức. Ngoài hình thức chạy quảng cáo, livestream để bán sách trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok… thì hình thức bán hàng trên các sàn thương mại điện tử cũng được nhiều người kinh doanh sách sử dụng để tiếp cận người đọc.
Hiện nay, không khó để tạo một tài khoản mạng xã hội, một gian hàng “online” trên các sàn thương mại điện tử và đưa sản phẩm lên “shop”. Bởi lẽ, điều khoản và điều kiện do các trang mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử đưa ra cũng vô cùng đơn giản.
Đơn cử, người dùng chỉ cần nhập các thông tin cá nhân cơ bản, số điện thoại… là có khởi tạo một gian hàng online. Việc đưa các sản phẩm, mặt hàng lên gian hàng “online” cũng đơn giản không kém. Các sàn thương mại điện tử gần như chỉ cần kiểm chứng các thông tin, giấy tờ về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm bằng hình ảnh.
Hiện nay, công nghệ ngày càng phát triển, người dân đã tiếp cận và làm quen với các ứng dụng, phần mềm công nghệ đa dạng, nhiều người còn đạt trình độ cao. Thế nên, không quá khó để các chủ gian hàng có thể “sản xuất” ra những giấy tờ, tem nhãn, chứng nhận của sản phẩm.
Còn trên các mạng xã hội, việc bán sách càng đơn giản hơn khi người bán chỉ cần mở “livestream”, tạo bài đăng hay làm video giới thiệu về sách… sau đó “chạy” quảng cáo để tiếp cận người có nhu cầu mua sách.
Cùng với đó, sách giả, sách lậu ngày nay ngoài hình thức in đã có từ lâu, thì hiện sách giả, sách lậu còn chuyển sang công nghệ 4.0 với hình thức sách nói (audio book) và sách điện tử (ebook) lại càng dễ dàng bị sao chép, chào bán công khai trên các diễn đàn, nhóm mạng xã hội (group) như sách đã được cấp phép.
Ông Trần Đức Thành – Đại diện Nhà sách Minh Thắng là người tâm huyết và đã gắn liền với nghề làm sách cho biết: “Việc buôn bán sách giả trên mạng đang cực kỳ khó kiểm soát. Các đối tượng bán sách lậu dùng nhiều chiêu trò để bán sách. Ví dụ như, khi rao bán trên mạng thì đăng ảnh sách thật với lời quảng cáo hấp dẫn, giảm giá 50 – 70% so với sách thật để thu hút độc giả. Nhưng khi ‘ship’ đến khách hàng thì là những cuốn sách in lậu, sách giả”.
Ông Trần Đức Thành còn cho biết: “Tính đến nay, Nhà sách Minh Thắng đã bị các ‘trùm lậu’ làm giả tới hơn 200 đầu sách. Theo thống kê của chúng tôi, hơn 40 trang fanpage đang rao bán công khai sách giả trên mạng xã hội các đầu sách của Nhà sách Minh Thắng cùng hàng trăm đầu sách của các NXB khác. Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp để chống sách giả và phải cắt cử nhân viên thường xuyên kiểm tra trên các trang thương mại điện tử, các trang mạng Facebook, Zalo, TikTok… để nắm thông tin và phản hồi tới các cơ quan chức năng xử lý.
Bộ sách bị in lậu bán nhiều nhất là “Nhật ký trưởng thành của đứa trẻ ngoan” gồm 10 cuốn và các sách tham khảo tiếng Anh của tác giả nổi tiếng Bùi Văn Vinh chủ biên viết cùng Thái Vân Anh, Nguyễn Thị Phương Anh bị scan và đánh lại nội dung hiên ngang đăng bán trên các Fanpage.
Thêm vào đó, việc bán sách lậu, sách giả của các đối tượng cũng trở nên tinh vi hơn. Hiện nay, các đối tượng bán sách lậu di chuyển kho hàng ra các tỉnh lân cận Hà Nội, sau đó livestream, đăng bài quảng cáo bán sách giả vào thị trường Hà Nội. Khi đơn vị phát hiện và trình báo đến cơ quan chức năng thì công tác xử lý trở nên khó khăn và phức tạp hơn do phải phối hợp giữa hai địa phương.
Ví dụ như, các đầu sách đang bán chạy, được nhiều người quan tâm thì chỉ trong vòng 2 – 3 ngày là đã xuất hiện sách giả trên thị trường. Để xuất bản một đầu sách thì các đơn vị phải bỏ ra rất nhiều chi phí, thời gian và công sức. Thông thường, trước khi đến với độc giả, xuất bản phẩm sau khi được thẩm định, biên tập phải trải qua bốn công đoạn: đăng ký xuất bản, in ấn, nộp lưu chiểu và phát hành.
Trong khi đó, sách giả không phải trả tiền bản quyền, không chi phí xuất bản, cắt giảm được nhiều giai đoạn trung gian, thậm chí không bị truy thu thuế, việc công nghệ in ấn hiện đại nên giá thành rẻ hơn rất nhiều so với sách thật.
Ngoài ảnh hưởng tiêu cực tới thị phần, gây thiệt hại kinh tế tới các đơn vị xuất bản, sách giả, sách lậu còn có nhiều tác động tiêu cực đến hệ thống xuất bản.
Theo ông Thành, sách lậu và bản sao không chính thức gây ra sự mất cân đối và sự suy thoái trong hệ thống xuất bản. Các nhà xuất bản và tác giả mất động lực, thậm chí không thể tiếp tục đầu tư và phát triển các tác phẩm mới. Sách lậu gây ra cạnh tranh không lành mạnh với sách chính thức, tạo ra sự chênh lệch về giá cả và gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành xuất bản chính thức. Điều này có thể dẫn đến giảm đầu tư vào xuất bản sách, ảnh hưởng đến sự phát triển và đa dạng hóa văn hóa đọc trong xã hội.
Cùng quan điểm với ông Thành, tác giả Bùi Văn Vinh là chủ biên của nhiều bộ sách dạy tiếng Anh được yêu thích cũng cho biết: “Sách lậu và bản sao không chính thức trục lợi từ công sức sáng tạo của tác giả và nhà xuất bản, khiến họ bị ăn cắp kiến thức, chất xám và không được công nhận cho công việc của mình. Khi tác giả không nhận được sự trân trọng và đền đáp công sức sáng tác của mình, họ có thể mất động lực và giảm khả năng sáng tạo”.
Bên cạnh đó, một tác giả sách tiếng Anh nổi tiếng khác là tác giả Đại Lợi cũng thường xuyên rơi vào “thảm cảnh” tương tự: “Tôi và nhiều anh chị em viết sách khác cũng thường xuyên phải đau đầu vì sách của mình vừa ra mắt đã bị rao bán đầy trên các trang mạng xã hội. Khi học sinh của mình có nguy cơ mua phải sách kém chất lượng mà người thầy như mình lại không thể làm gì được, tôi rất buồn lòng. Vì không phải học sinh, phụ huynh nào cũng có thể phân biệt được sách thật, sách giả vì khả năng làm giả sách ngày càng tinh vi. Nếu trong quá trình họ sao chép, làm giả mà nội dung bị sai, thiếu chính xác thì rất có hại với học sinh – thế hệ tương lai của đất nước. Tôi rất mong rằng nước ta sẽ có biện pháp xử lý dứt điểm vấn đề nhức nhối này”.
Bên cạnh đó, sách lậu thường không tuân thủ quy trình sản xuất chất lượng và không được kiểm định bởi các cơ quan chức năng. Điều này dẫn đến nguy cơ sách lậu có thể bị chỉnh sửa, sao chép hoặc biến đổi nội dung hình ảnh của các tác phẩm gốc, ảnh hưởng đến sự chính xác và chất lượng của tác quyền. Việc chỉnh sửa và sao chép một cách trái phép có thể làm mất đi giá trị và ý nghĩa ban đầu của tác phẩm, gây tổn hại đến quyền lợi của tác giả và người sáng tạo.
Cuộc chiến với sách giả, sách lậu diễn ra dai dẳng đã khiến nhiều nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành dần chán nản vì chưa thể giải quyết triệt để vấn nạn này. Mặc dù có sự can thiệp và hỗ trợ của cơ quan Nhà nước, nhưng khi khung pháp lý đối với vấn đề này chưa thực sự tạo ra hiệu quả, những đơn vị kinh doanh sách giả, sách lậu vẫn sẽ ngang nhiên hoành hành và đẩy các doanh nghiệp làm ăn chân chính vào những tổn thất to lớn.
Để viết ra được một cuốn sách, tác giả Bùi Văn Vinh và tác giả Thái Vân Anh cho biết thường mất hàng tháng, thậm chí là vài năm trời. Thế nhưng, vấn nạn sách giả tràn lan hiện nay không chỉ gây ảnh hưởng đến độc giả mà còn làm nản lòng nhiều tác giả nổi tiếng. Vì viết một cuốn sách không hề đơn giản, hơn nữa, thu nhập của các tác giả chủ yếu đến từ tiền tác quyền, ngoài sự nổi tiếng nhờ các tác phẩm, thì số lượng sách xuất bản và được khán giả đón nhận cũng chính là động lực giúp họ sáng tạo ra các tác phẩm xuất sắc.
(Chúng tôi sẽ cập nhật phần tiếp theo)
Thanh Bình