Bộ Công Thương: Xăng dầu vẫn ‘nóng’, có thể tiếp tục giảm thuế

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho rằng nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng quá cao, có thể tính đến giải pháp giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu cần đảm bảo bám sát diễn biến giá thế giới và hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Bộ Công Thương: Xăng dầu vẫn ‘nóng’, có thể tiếp tục giảm thuế

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông (Ảnh: MOIT)

Trong bối cảnh giá dầu thế giới biến động tăng từ 40 – 60%, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Liên bộ Công Thương – Tài chính cố gắng giữ giá bán lẻ trong nước chỉ tăng 24 – 40%, mức chịu đựng được của nền kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Bộ Công Thương bên cạnh đó cũng đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Từ ngày 1/4, thuế bảo vệ môi trường giảm 2.000 đồng cho mỗi lít xăng và 1.000 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn. Với mức giảm thuế nêu trên, giá bán lẻ xăng sẽ giảm tương ứng là 2.200 đồng/lít, giá các mặt hàng dầu giảm 1.100 đồng/lít.

“Tôi cho rằng nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, thì giải pháp giảm thuế cần tiếp tục được tính tới. Chúng ta vẫn cần phải tính dài hơn hơn, có kịch bản nhiều hơn nữa. Như khi giá xăng dầu biến động mạnh hơn, Bộ Công Thương đã lên kịch bản, nếu giá 130 USD, 150 USD/thùng thì sẽ đề xuất đưa ra kịch bản tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu, như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt, VAT, đa dạng hóa nguồn cung…”, ông Đông nói.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng cho rằng bên cạnh việc điều chỉnh thuế phí cần có các gói an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng kinh doanh trực tiếp xăng dầu, hay người sử dụng xăng dầu.

Đồng thời, cần tính tới cơ chế để tăng dự trữ quốc gia, tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối làm sao trong quy hoạch sản xuất để tăng dự trữ từ sản xuất đến lọc dầu, dự trữ về lọc dầu và thành phẩm.

Liên quan đến việc trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG), ông Đông cho hay việc duy trì, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu thể hiện quan điểm về kinh tế thị trường của mỗi quốc gia. Ngoài việc góp phần kiểm soát nguồn cung và giá xăng dầu, quỹ BOG còn có tác dụng kiểm soát được CPI, tăng trưởng và lạm phát.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết mặt hàng xăng dầu hiện vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý nhà nước. Trước chỉ có 2 đầu mối, nhưng nay thị trường xăng dầu Việt Nam có đến 36 đầu mối. Nên nếu không quản lý, điều tiết của nhà nước sẽ khó có thể có môi trường cạnh tranh hoàn toàn.

“Tôi ủng hộ giải pháp căn cơ, dài hơi, đó là để thị trường phát triển hơn theo quy luật thị trường. Muốn vậy, chúng ta cần điều hành bằng thuế, phí, dự trữ quốc gia”, ông Đông nói.

Cần có dự trữ chiến lược xăng dầu

Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, câu chuyện giá xăng dầu gần đây thu hút sự quan tâm rất lớn của công luận. Để ổn định thị trường xăng dầu, chúng ta cần có chiến lược dự trữ xăng dầu trong thời gian tới. Muốn dự trữ được xăng dầu lại phải có một cơ sở hạ tầng riêng, không thể hoàn toàn trông cậy vào các doanh nghiệp đầu mối và bản thân cở sở hạ tầng của các doanh nghiệp đầu mối cũng chưa phải là tốt để có thể đáp ứng được yêu cầu này.

Bên cạnh đó, phải có một nguồn lực tài chính hay nguồn ngoại tệ để làm sao có thể dự trữ được xăng dầu với một mức đủ, giúp cho ổn định thị trường xăng dầu trong nước trước những biến động.

Trong dự trữ về chiến lược xăng dầu, cũng nên thay đổi các phương thức kinh doanh xăng dầu như hiện nay. Hiện nay Việt Nam chủ yếu áp dụng các biện pháp giao ngay khi kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, có rất nhiều các công cụ, như công cụ mua bán kỳ hạn, công cụ mua bán tương lai trên thị trường xăng dầu được sử dụng khá phổ biến.

Để giá xăng dầu không ảnh hưởng tới tăng trưởng và lạm phát năm 2022, thuế hay còn gọi là khoản thu ngân sách chỉ là một trong những công cụ để can thiệp vào biến động của giá xăng dầu đến đời sống kinh tế xã hội. Vì vậy, phải sử dụng đồng bộ một hệ thống các công cụ, không nên đặt vấn đề hôm nay thuế bảo vệ môi trường trừ một nửa không đủ, ngày mai trừ thêm một nửa không đủ lại trừ cả và nếu tiếp tục không đủ thì lại trừ tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt…

Một hệ thống công cụ nữa cần phải tính đến là nhập xăng dầu cần ngoại tệ, sản xuất xăng dầu trong nước cũng cần ngoại tệ. Vì Việt Nam nhập khẩu ròng dầu thô, bán 1 triệu tấn thì nhập 2 triệu tấn, như vậy tỷ giá hối đoái cực kỳ quan trọng. Do đó, cần đánh giá tất cả các khoản thu hiện tại, công cụ thuế, công cụ thu ngân sách đó sẽ sử dụng ra sao và đặt vấn đề căn cơ đối với thuế, thu ngân sách xăng dầu để sử dụng hữu hiệu công cụ này.

“Câu chuyện là chúng ta cần tư duy tổng thể các khoản thu ngân sách trên xăng dầu và mỗi lít xăng dầu, có như vậy thì mới có công cụ điều hành hữu hiệu, đơn giản và ngay lập tức. Hãy xem xét, đánh giá lại xem thu bao nhiêu? thu như thế nào? để sử dụng công cụ đó can thiệp về giá xăng dầu”, ông Vũ Đình Ánh nói.

Theo Hòa Binh

(Báo VTC NEWS)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button