“Bắt nhịp” cổ phiếu cuối năm
Trong giai đoạn cuối năm nay, nhà đầu tư vẫn nên chú ý đến các cơ hội đầu tư riêng lẻ hơn là việc theo dõi biến động ngắn hạn của thị trường.
Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu đang có những tín hiệu tích cực hơn – Chỉ số Dow Jones đã phục hồi trở lại vùng 35 nghìn điểm so với vùng đỉnh 37 nghìn điểm giai đoạn đầu năm 2022. Những diễn biến này đang được ủng hộ bởi số liệu lạm phát Mỹ hạ nhiệt làm tăng khả năng FED sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ để hướng tới việc cắt giảm lãi suất trong năm tới.
Trong khi đó bối cảnh vĩ mô Việt Nam đang có những bước tiến tích cực hơn khi tỷ giá được kiểm soát với xu hướng giảm, triển vọng tăng trưởng kinh tế được dồn vào giai đoạn cuối năm với những kỳ vọng đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút FDI, giải ngân vốn đầu tư công và niềm tin sẽ quay trở lại trên TTCK với nhiều cơ hội đầu tư rộng mở.
VN-Index xác nhận đáy
Kịch bản giảm sâu của TTCK có lẽ sẽ không xảy ra dù có nhiều thông tin “bất lợi” đang lan tràn liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát, FLC… Điều này cho thấy có khả năng TTCK đã chạm đáy ngắn hạn khi VN-Index xuống vùng 1.020 điểm.
Các nhà đầu tư đừng quên rằng từ năm 2007 đến cuối năm 2023 khi vốn hóa thị trường tăng mạnh, nhưng chỉ số VN-Index vẫn ở dưới vùng kháng cự 1.200 điểm. Nay thanh khoản toàn thị trường tiếp tục gia tăng và số lượng các nhà đầu tư nhiều hơn, thì diễn biến TTCK có thể sẽ khác. Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, thị trường hoàn toàn có thể dao động trở lại vùng 1.150 – 1.200 – 1.250 trong giai đoạn cuối năm nay.
Giá trị giao dịch đã có sự cải thiện trong giai đoạn tháng 11 khi đạt 20 – 22 nghìn tỉ đồng/phiên. Cơ hội cho quá trình phục hồi của TTCK có thể diễn ra khi mà dòng tiền đầu tư trong nước có dấu hiệu quay lại, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức quay trở lại rót vốn đầu tư vào TTCK như giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh.
Nhóm cổ phiếu nào sẽ là tâm điểm?
Sau kết quả kinh doanh đáng thất vọng của nhóm cổ phiếu thép, hóa chất, dầu khí trong giai đoạn 2022, khiến nhiều cổ phiếu đã giảm về mức rất sâu, TTCK cũng đã hồi phục từ vùng 875 – 880 điểm lên 1.250 điểm giai đoạn tháng 8 – 9 trước khi điều chỉnh sâu về vùng 1.025 điểm vào đầu tháng 11.
Sự phục hồi của nền kinh tế cũng như TTCK sẽ khiến niềm tin các nhà đầu tư quay trở lại – dòng tiền giải ngân được kích hoạt trong bối cảnh lãi suất thấp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngừng rút tiền về hệ thống để đối phó với tình trạng tỷ giá leo thang. Điều này kích hoạt dòng tiền đầu tư mua lên tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu tài chính, hóa chất, thép, dầu khí, bất động sản, trong đó có một số cổ phiếu tăng 200 – 300% so với mức giá giai đoạn cuối năm 2022.
So với các nhóm cổ phiếu bán lẻ, hàng tiêu dùng, dược phẩm, dịch vụ hàng công nghiệp thì nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ, như cổ phiếu hóa chất, thép, dầu khí dường như có ưu thế vượt trội khi tình hình kết quả kinh doanh có dấu hiệu khởi sắc, thậm chí còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong năm 2024.
Có lẽ giai đoạn cuối năm vẫn là giai đoạn phù hợp cho việc giải ngân, nhưng các nhà đầu tư vẫn nên chú ý đến các cơ hội đầu tư riêng lẻ hơn là việc theo dõi biến động ngắn hạn của thị trường. Việc kiểm soát danh mục đầu tư đi kèm việc phân bổ tỷ trọng giải ngân hợp lý sẽ giúp các nhà đầu tư hạn chế được các rủi ro do diễn biến của thị trường trong giai đoạn vừa qua.
Ngoài ra, trong quý IV/2023, các nhà đầu tư cũng nên chú ý đến những cổ phiếu đầu ngành, có thanh khoản cao, đặc biệt là những cổ phiếu luôn mang lại cho các nhà đầu tư ưa thích giao dịch ngắn hạn, như các cổ phiếu VIX, GEX, SSI, HPG, NKG, HAG, PVS… Còn với những nhà đầu tư theo đuổi trường phái đầu tư giá trị luôn tìm thấy ở nhiều cổ phiếu đặc thù ở từng nhóm ngành các cơ hội đầu tư tốt với thời gian nắm giữ dài hơn, từ 3 – 6 – 9 tháng với hiệu suất sinh lời kỳ vọng hấp dẫn.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn