5 giải pháp của NHNN nhằm gỡ khó khăn, vướng mắc cho vay bất động sản
NHNN cho biết, thị trường BĐS vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó có nhiều tồn tại, vướng mắc đã kéo dài và cần các giải pháp tổng thể với sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, địa phương.
Các khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS
Báo cáo tại hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội sáng nay (13/11), bà Hà Thu Giang –Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) có vai trò hết sức quan trọng, gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực. Đối với ngành ngân hàng, những diễn biến trên thị trường BĐS cũng như những khó khăn của doanh nghiệp BĐS có tác động trực tiếp đến chất lượng tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; NHNN luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường BĐS, tín dụng BĐS để có các giải pháp vừa đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS.
NHNN cũng đánh giá hiện nay, thị trường BĐS vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó có nhiều tồn tại, vướng mắc đã kéo dài như: Hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng; Mất cân đối cung cầu tại các phân khúc, dư thừa nhà ở cao cấp, biệt thự trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế; Nhu cầu của thị trường tại một số phân khúc đang có sự sụt giảm mạnh; Năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà; …
Về cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đang triển khai tại NHCSXH: Tổng nguồn vốn cho vay tối đa theo NQ 43 và NQ 11 là 15.000 tỷ đồng. Đến 30/9/2023, NHCSXH mới giải ngân đạt 55% kế hoạch do nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn hạn chế, nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay vốn tín dụng chính sách xã hội; chủ đầu tư khi bán cho người mua nhà chưa giải chấp nên không thực hiện được việc đăng ký giao dịch bảo đảm… Do đó, ngày 2/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 181/NQ-CP điều chỉnh kế hoạch vốn dự kiến không giải ngân hết của 4 chương trình cho vay ưu đãi, trong đó có Chương trình này để bổ sung cho vay giải quyết việc làm.
Đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng, khó khăn lớn nhất là nguồn cung còn hạn chế, đến nay mới có 23 UBND tỉnh, thành phố công bố danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình. Ngoài ra, Theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, qua rà soát các dự án thuộc danh mục, trong số 54 dự án được công bố có: 5 dự án đã được phê duyệt cấp tín dụng; 30 dự án (55,5%) là chưa có nhu cầu vay vốn; 11 dự án (20,4%) là chưa đủ điều kiện cho vay, trong đó có 06 dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý; 8 dự án (15%) đang được các NHTM thẩm định. Do đó, việc triển khai Chương trình còn chưa được như dự kiến.
5 giải pháp của NHNN trong thời gian tới
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với CSTK và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, cụ thể:
Một là, Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng phù hợp với thực tiễn, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng chỉ đạo của TTCP.
Hai là, Tiếp tục chỉ đạo TCTD thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
Ba là, Theo dõi, bám sát tình hình triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng để phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố xem xét, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình, góp phần thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng cũng như mua nhà ở xã hội của người dân
Bốn là, Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường BĐS phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD.
Năm là, tăng cường công tác, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD.
“Để góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững cần thực hiện các giải pháp tổng thể với sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, NHNN đề xuất các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục xử lý, giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý với lĩnh vực BĐS; đồng thời tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại các văn bản như Nghị quyết 33/NQ-CP và gần đây nhất là Công điện số 993/CĐ-TTg. Đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, xem xét, công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn theo Chương trình và sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án đã đủ điều kiện để NHTM có cơ sở xem xét, cho vay”, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nêu.