Room tín dụng xanh cho doanh nghiệp còn rất lớn

Việt Nam đang có nhiều cơ hội thu hút đầu tư xanh, song để dẫn vốn xanh vào nền kinh tế và doanh nghiệp đòi hỏi nỗ lực lớn của tất cả “người chơi”.

Đây là một trong những nhận định được ông Võ Quốc Khánh – Phó Tổng Giám đốc tư vấn dịch vụ tài chính ngân hàng của công ty CP tư vấn Ernst&Young Việt Nam chia sẻ.

Cầu lớn

Phát triển xanh, phát triển bền vững không chỉ là đón đầu xu thế đầu tư bền vững trên toàn cầu mà còn là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phải thích nghi trong quá trình chuyển đổi sản xuất, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Quá trình chuyển đổi xanh này được tính toán cần nguồn lực lớn. Những năm gần đây, các ngân hàng quan tâm nhiều hơn đến tín dụng xanh. Theo ông Võ Quốc Khánh, từ xuất phát điểm thấp, đến nay tín dụng xanh chiếm 5% tổng dư nợ của nền kinh tế. Tín dụng xanh có mức tăng trưởng nhanh hơn nhiều lần tín dụng bình thường; nếu tỷ lệ này tiếp tục được duy trì, tín dụng xanh sẽ chiếm thị phần ngày càng lớn trong nền kinh tế.

Room tín dụng xanh cho doanh nghiệp còn rất lớn

Ông Võ Quốc Khánh – Phó Tổng Giám đốc công ty CP tư vấn Ernst&Young Việt Nam

Về mặt cơ cấu, tỷ lệ cho vay tín dụng tập trung vào nông nghiệp và năng lượng tái tạo, trong khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra danh mục 12 ngành nghề cấp tín dụng xanh. Còn nhiều lĩnh vực khác đang cần vốn xanh từ giao thông vận tải, xây dựng, bất động sản, thậm chí là viễn thông.

Ngoài ra, ông Võ Quốc Khánh cho rằng, nhiều ngành “nâu” trong nền kinh tế cũng có nhu cầu chuyển đổi để đáp ứng mục tiêu Net Zero và đang có nhu cầu tín dụng lớn từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Hay các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành xanh và rất xanh như năng lượng tái tạo cũng vẫn đang cần vốn xanh bởi họ không dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng.

“Zoom tín dụng xanh rất lớn, đòi hỏi nỗ lực không chỉ ngành ngân hàng mà của tất cả “người chơi” trong nền kinh tế như vai trò dẫn dắt trong việc ban hành, hoàn thiện quy định của cơ quan quản lý, những nỗ lực của doanh nghiệp…” – đại diện lãnh đạo công ty CP tư vấn EY Việt Nam nhấn mạnh.

Cung dồi dào

Trong khi nhu cầu tín dụng xanh lớn, vốn xanh cung ứng cũng khá dồi dào. Cùng với các ngân hàng và định chế tài chính trong, ngoài nước; Chính phủ Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực trên các diễn đàn quốc tế, kết nối các định chế tài chính để thu hút các nguồn vốn vào Việt Nam.

“Đây là con đường chắc chắn Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa. Xu hướng tài chính quốc tế tập trung nguồn lực chuyển đổi xanh cho các nước đang phát triển và các nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Việt Nam đã đáp ứng được cả hai tiêu chí trên” – ông Võ Quốc Khánh thông tin.

Room tín dụng xanh cho doanh nghiệp còn rất lớn

Năng lượng tái tạo là một trong số ít lĩnh vực thu hút được nhiều vốn xanh

Minh chứng cho nhận định này, có thể thấy Việt Nam là một trong 3 nước đầu tiên tham gia đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JEPT). Khi thực hiện chuyển đổi lúa năng suất cao, phác thải thấp Việt Nam đã nhanh chóng nhận được khoản đầu tư tài trợ lớn từ Ngân hàng Thế giới. Theo nguồn vốn của các tổ chức đa phương là các nguồn vốn tư nhân, các quỹ đầu tư khác đưa tiêu chuẩn xanh vào hoạt động đầu tư.

Đề cập thêm về hoạt động đầu tư xanh, theo ông Võ Quốc Khánh, thời gian gần đây Uỷ ban Chứng khoán đưa ra chỉ số VNSI tập hợp các doanh nghiệp có điểm phát triển bền vững tốt để đưa vào chỉ số này. Các thị trường chứng khoán nước ngoài quan tâm đến doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh và việc đưa ra chỉ số trên có thể là kênh để thu hút khoản đầu tư theo định hướng xanh.

Khẳng định, Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút vốn xanh, nhiều kênh dẫn vốn xanh nhưng cũng có một số thách thức mà doanh nghiệp và nền kinh tế cần đối mặt. Đó là phải cạnh tranh với nhiều nước khác; các quy định pháp luật cần đầy đủ và thông tin doanh nghiệp cần minh bạch – những vấn đề quan trọng để các nhà đầu tư quốc tế rót vốn hoặc cho doanh nghiệp vay vốn.

“Các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến các cơ hội đầu tư. Họ cần có đáp án cho các câu hỏi quan trọng như doanh nghiệp đã xanh hay chưa, các thông tin liên quan đến dự án có xanh không, có đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế không?… Những nội dung này đòi hỏi chúng ta có quy định phù hợp với thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế; doanh nghiệp cần chủ động thông tin và thông tin minh bạch” – Phó Tổng Giám đốc Võ Quốc Khánh cho hay.

Ở cấp độ quốc gia, cần sớm có danh mục phân loại xanh để định hướng hoạt động của nền kinh tế đến mục tiêu xanh. Việc ban hành danh mục phân loại xanh này không phải là dễ. Nhiều thị trường trên thế giới, kể cả các nước phát triển cũng gặp phải khó khăn, không nên quá cầu toàn bởi danh mục này cần cập nhật, bổ sung liên tục.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button