Xuất khẩu tăng trưởng bền bỉ trong bối cảnh mới

Xuất nhập khẩu tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế những tháng đầu năm 2025. Với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 12 – 14% so với năm 2024 và thặng dư thương mại 30 tỷ USD theo Nghị quyết 25/NQ-CP, Việt Nam hướng đến chặng đường phát triển đầy triển vọng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp để hiện thực hóa mục tiêu đề ra.

Nhiều điểm sáng ấn tượng

Theo thống kê từ Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai tháng đầu năm 2025 đạt khoảng 126,7 tỷ USD, phản ánh rõ năng lực cạnh tranh và sức hút của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Xuất khẩu ghi nhận 64,3 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2024, cán cân thương mại duy trì xuất siêu 1,9 tỷ USD, dù thấp hơn mức 5,13 tỷ USD cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn là dấu hiệu tích cực giữa bối cảnh thương mại toàn cầu đầy biến động.

Xuất khẩu tăng trưởng bền bỉ trong bối cảnh mới

Khu vực kinh tế trong nước vươn lên mạnh mẽ với mức tăng trưởng xuất khẩu 12,8%, vượt trội so với khu vực FDI (6,7%), cho thấy sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu kinh tế và khẳng định nội lực doanh nghiệp Việt. Các mặt hàng chủ lực như dệt may (tăng 9,3%), giày dép (tăng 10,3%), và đặc biệt máy vi tính, sản phẩm điện tử cùng linh kiện (tăng 25,3%) tiếp tục là động lực quan trọng, đưa thương hiệu Việt Nam đến gần hơn với khách hàng toàn cầu.

Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản cũng tạo dấu ấn khi giá trị xuất khẩu tháng 2/2025 ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Thành tựu này không chỉ thể hiện sức hấp dẫn của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam mà còn mở ra tiềm năng lớn để đa dạng hóa danh mục xuất khẩu trong tương lai.

Việt Nam sở hữu mạng lưới thương mại tự do đáng kể với 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, trong đó 17 hiệp định đã có hiệu lực. Các thỏa thuận này tạo nền tảng giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN với ưu đãi thuế quan hấp dẫn. Các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa logistics và mở rộng thị trường sang Trung Đông, Ấn Độ hay châu Phi – những khu vực tiềm năng chưa được khai thác triệt để để tận dụng tối đa lợi thế từ FTA.

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nhận định: “Để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12-14%, mỗi tháng Việt Nam cần xuất khẩu khoảng 38 tỷ USD, tương đương mức tăng thêm hơn 4 tỷ USD so với năm 2024. Mục tiêu này hoàn toàn khả thi nếu tận dụng tốt các FTA và phát huy nội lực doanh nghiệp trong nước.” Ông Sơn tin rằng sự linh hoạt của doanh nghiệp, kết hợp với sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để đưa xuất khẩu Việt Nam tiến xa.

Linh hoạt thích ứng với biến động chiến tranh thương mại toàn cầu

Năm 2025 hứa hẹn mang đến bức tranh thương mại toàn cầu sôi động với sự phục hồi kinh tế ở một số khu vực và xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng. Dù tồn tại yếu tố bất định như chính sách bảo hộ hay biến động địa chính trị, Việt Nam vẫn giữ vị thế thuận lợi để đón đầu xu hướng tích cực. Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú phân tích: “Thay vì phụ thuộc vào thị trường truyền thống như Mỹ, EU và Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam có thể khai phá các khu vực mới với nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng mạnh. Đầu tư vào logistics hiện đại cũng giúp giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt.”

Sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai mang đến cả cơ hội lẫn thách thức cho xuất khẩu Việt Nam. Với chính sách ưu tiên sản xuất nội địa và áp thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu từ các đối thủ như Trung Quốc, Trump có thể đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia khác, trong đó Việt Nam nổi lên như một lựa chọn hấp dẫn nhờ chi phí lao động cạnh tranh và mạng lưới FTA rộng lớn. Điều này tạo cơ hội cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt với các mặt hàng như điện tử, dệt may và giày dép.

Tuy nhiên, chiến tranh thương mại do tổng thống Mỹ Trump khởi xướng cũng tiềm ẩn rủi ro. Chính sách bảo hộ của Mỹ có thể làm gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, như thuế chống bán phá giá hay điều tra gian lận xuất xứ, nhắm vào hàng hóa Việt Nam nếu nước này bị xem là “trạm trung chuyển” cho hàng Trung Quốc né thuế. Ngoài ra, sự phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ – nơi chiếm tỷ trọng đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam – khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương nếu Trump áp dụng các chính sách hạn chế thương mại đột ngột. Để ứng phó, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, đồng thời nâng cao khả năng tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về xuất xứ và chất lượng mà Mỹ đặt ra.

Một khía cạnh khác đáng chú ý là tác động gián tiếp từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Khi Trung Quốc đối mặt với áp lực từ thuế quan Mỹ, hàng hóa Trung Quốc có thể tìm đường tràn sang các thị trường khác, bao gồm Việt Nam, gây cạnh tranh gay gắt cho doanh nghiệp nội địa trong việc giữ thị phần xuất khẩu. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tránh rơi vào cuộc đua giảm giá với đối thủ.

Phối hợp đồng bộ hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu

Để hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu, Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ trưởng Phan Thị Thắng khẳng định Bộ sẽ duy trì hội nghị giao ban định kỳ với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để cập nhật thông tin thị trường, đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt trước biến động toàn cầu. “Chúng tôi cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, từ tháo gỡ khó khăn trong xuất nhập khẩu đến mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng,” bà Thắng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Anh Sơn khuyến nghị các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần chủ động phân tích nhu cầu thị trường, đánh giá khả năng hấp thụ hàng hóa để xây dựng chiến lược xuất khẩu phù hợp. Bộ Công thương cũng phối hợp với các đơn vị phòng vệ thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp tránh rủi ro từ các vụ kiện chống bán phá giá hay gian lận xuất xứ, bảo vệ uy tín hàng hóa Việt Nam.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh vai trò của logistics như “động mạch” của hoạt động xuất khẩu. “Đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển và giảm chi phí sẽ giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh tốt hơn với đối thủ quốc tế. Doanh nghiệp cũng nên tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý và tiếp cận khách hàng,” ông Phú khuyến nghị.

Hương Giang (Vietnam Business Forum)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button