Xuất khẩu rau quả cán mốc lịch sử
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang tăng trưởng rất tốt, kim ngạch tháng sau cao hơn tháng trước.
Theo Tổng cục Hải quan, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 10 (từ ngày 1-15/10), kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã đạt được gần 350 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam từ đầu năm đến trung tuần tháng 10 đạt 4,56 tỉ USD. Mức tăng trưởng ghi nhận lên đến hơn 75% so với cùng kỳ năm trước, tương đương khoảng 2 tỉ USD tăng thêm.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất được ghi nhận trong quý 3 năm nay khi các tháng sau luôn có kim ngạch cao hơn tháng trước. Nếu tháng 7, kim ngạch xuất khẩu đạt mức 404,4 triệu USD thì sang tháng 8 con số này đã tăng lên 464 triệu USD và đặc biệt bứt phá ở tháng 9. Với mức tăng trưởng lên đến gần 40% so với tháng 8, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 9 đạt tới 667 triệu USD.
Kết quả ấn tượng này tiếp tục duy trì trong nửa đầu tháng 10. Với đà tăng trưởng này, dự báo trong nửa cuối còn lại của tháng 10, xuất khẩu rau quả có thể đạt đến 700 triệu USD. Như vậy, liên tiếp trong 4 tháng gần đây, rau quả luôn đạt mức tăng trưởng rất cao, thậm chí nếu cán mốc 700 triệu có thể được xem là kỷ lục xuất khẩu trong 1 tháng.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước còn nhiều khó khăn, không ít ngành hàng xuất khẩu vẫn đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị phần để nỗ lực cán đích kế hoạch trong quý cuối cùng của năm 2023 thì rau quả lại trở thành điểm sáng của nền kinh tế, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế cũng như ngành nông nghiệp.
Thậm chí, trong thời gian khó khăn do suy thoái, rau quả không chỉ giữ vững vị thế tốt mà còn đang xô đổ kỷ lục xuất khẩu đã được thiết lập từ năm 2018 (3,81 tỉ USD) – thời điểm trước khi có dịch COVID -19.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhiều khả năng, xuất khẩu rau quả năm nay có thể vượt mốc 5 tỉ USD hoặc hơn thế nữa. Nhận định này được đưa ra khi nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như sầu riêng, chuối, khoai lang, xoài, mít… đang được xuất bán tốt. Trong đó, “ngôi vương” vẫn đang thuộc về sầu riêng, nhất là khi chúng ta vẫn còn hàng để xuất bán.
Hơn nữa, dịp cuối năm, theo quy luật, thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất là Trung Quốc thường tăng nhập để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp lễ Tết. Thời điểm hiện nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đang đạt mức tăng trưởng rất tốt, khoảng 160% và chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành hàng (tương đương 2,7 tỉ USD).
Ngoài ra, tiềm năng gia tăng giá trị xuất khẩu còn đến từ một số trái cây chủ lực khác. Chẳng hạn như quả dừa tươi. Sau khi mặt hàng đã được cấp “visa” sang Mỹ và đang tích cực đàm phán xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ dừa sang Trung Quốc. Nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam có thể sẽ có thể một mặt hàng xuất khẩu tỉ USD, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành trong những năm tới.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã nỗ lực chuyển đổi sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho trái cây chủ lực khác là thanh long nhằm đưa mặt hàng này trở lại danh sách trái cây xuất khẩu tỉ USD.