Xử phạt tư vấn bảo hiểm sai 100 triệu đồng – Chưa đủ răn đe
Sau hàng loạt các sai phạm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, Bộ Tài chính đề xuất xử phạt tư vấn bảo hiểm sai 100 triệu đồng, tuy nhiên, theo chuyên gia, mức phạt này chưa đủ sức răn đe…
Theo đó, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng mức phạt tiền với một số hành vi liên quan đến việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm và nghiệp vụ, hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm.
Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị phạt 80-100 triệu đồng nếu cung cấp không đúng các thông tin về quy tắc, điều kiện, điều khoản và các tài liệu tóm tắt, minh họa quyền lợi, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Mức này cũng áp dụng với vi phạm khi bán bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe.
Trong khi, theo quy định cũ, các hành vi như cung cấp tài liệu giới thiệu sản phẩm hay tài liệu minh họa không rõ ràng và chính xác chỉ bị xử phạt cảnh cáo. Các hành vi như không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc không thông báo tình trạng hợp đồng cho khách hàng cũng chỉ chịu mức phạt từ 40-50 triệu đồng.
Dự thảo cũng đề xuất, mức xử phạt cao nhất lên đến 200 triệu đồng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Bên cạnh đó, đối với hành vi vi phạm quy định về môi giới bảo hiểm, Dự thảo đề xuất, doanh nghiệp môi giới có thể bị phạt tiền 20-40 triệu đồng nếu hứa hẹn cung cấp các quyền lợi bất hợp pháp để xúi giục khách hàng ký hợp đồng; xúi giục khách hàng hủy bỏ hợp đồng đang có hiệu lực để mua mới; phạt tiền 40-60 triệu đồng nếu tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm với các điều khoản kém cạnh tranh hơn nhằm thu được hoa hồng môi giới cao hơn hoặc cung cấp cho khách hàng thông tin sai lệch.
Trường hợp sử dụng người trực tiếp môi giới không đủ điều kiện, mức phạt đề xuất cho doanh nghiệp môi giới sẽ 50-70 triệu đồng, các đại lý bảo hiểm có thể bị phạt 30-50 triệu đồng với các hành vi này.
Liên quan đến các đề xuất đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt này cho các hành vi vi phạm là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Thông tin với báo chí, chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán – thành viên Hội Luật gia Việt Nam nhìn nhận, mức xử phạt tối đa trong vi phạm hoạt động bảo hiểm nói chung tối đa cho cá nhân là 100 triệu đồng và đối với doanh nghiệp 200 triệu đồng là thấp. Các doanh nghiệp bảo hiểm hàng năm doanh thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng thì mức phạt chỉ 100 triệu hay thậm chí 200 triệu đồng cũng chỉ như “muối bỏ biển”.
Theo ông Đán, nếu như mức tối đa không thể vượt quá 200 triệu đồng đối với doanh nghiệp hay 100 triệu đồng đối với cá nhân thì mức phạt phải tính theo từng trường hợp. Ví dụ, doanh nghiệp tư hay cá nhân tư vấn bảo hiểm sai 100 trường hợp thì phải nhân với số tiền xử phạt 100 triệu đồng/trường hợp. Không thể đánh đồng chung là doanh nghiệp tư vấn sai đến 100 trường hợp cũng chỉ bị phạt 100 triệu đồng hay 200 triệu đồng như doanh nghiệp chỉ sai 1 hay 2 trường hợp. Đồng thời, cần có thêm quy định cả cá nhân môi giới bảo hiểm cũng phải chịu trách nhiệm, bị xử phạt song song cùng doanh nghiệp bảo hiểm.
“Việc tư vấn bảo hiểm sai, không trung thực thời gian qua đã gây ra hệ lụy lớn cho nhiều người dân và cả nền kinh tế. Nếu tác hại quá lớn, quá nhiều người bị ảnh hưởng thì với tội lừa dối khách hàng còn có thể chuyển sang xem xét hình sự khi Bộ luật Hình sự 2015 có quy định các trường hợp. Mức xử phạt hành chính bằng tiền như Dự thảo là còn quá thấp nên phải được tính theo từng trường hợp mà không phải gộp chung nhiều trường hợp”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng quan điểm đã nêu, không ít ý kiến cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần có thêm những hình thức xử phạt khác. Chẳng hạn như, xử phạt kèm thêm đó là thu hồi chứng chỉ đại lý bảo hiểm, hoặc tước giấy phép doanh nghiệp vi phạm. Đặc biệt, sau khi xử lý, cơ quan chức năng cần công khai thông tin để lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư và thị trường bảo hiểm không lặp lại lỗi vi phạm.
Ngoài ra, cần xem xét lại mức xử phạt đối với các hành vi sai phạm khi bán bảo hiểm qua ngân hàng, có thể học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường tiên tiến như áp dụng xử phạt theo tỷ lệ doanh thu, lợi ích kiếm được, chẳng hạn nếu doanh thu thu từ việc bán bảo hiểm ẩu đạt 1.000 tỷ đồng thì có thể xem xét phạt tới 100% doanh thu, nghĩa là phạt tới 1.000 tỷ đồng, thậm chí cao hơn.
Được biết, theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2022 có khoảng 3.000 đại lý bảo hiểm vi phạm quy định về bán bảo hiểm. Các lỗi vi phạm chính gồm: tư vấn chưa đầy đủ cho khách hàng, tuyên truyền, quảng cáo sai về doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ… thế nhưng số tiền xử phạt sai phạm còn tương đối “nhỏ giọt”. Lũy kế từ năm 2013 tới nay, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đã xử phạt 29 doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm với tổng số tiền phạt 2,95 tỷ đồng.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn