Xử nghiêm việc bán nhà hai giá để trốn thuế
Việc xử lý tình trạng “bán nhà hai giá” chưa giải quyết được triệt để gốc vấn đề mà ngược lại đang phát sinh bất cập, hệ lụy trong quá trình thực hiện.
Phát biểu trước Quốc hội mới đây, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đã nêu ra loạt vấn đề rất đáng chú ý trong việc chống thất thu thuế kinh doanh chuyển nhượng bất động sản.
Việc chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về vấn đề “nhà 2 giá” thời gian qua còn “chung chung”
Theo ông Bình, thị trường bất động sản đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng “bán nhà hai giá”, tức là giá thực tế cao hơn nhiều giá kê khai trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản còn phổ biến, gây thất thu ngân sách.
Bất bình đẳng
Để khắc phục vấn đề này, đại biểu cho biết Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã có nhiều văn bản để thực hiện các biện pháp chống thất thu thuế, hướng dẫn kê khai đúng giá trị chuyển nhượng. Việc này bước đầu có kết quả, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo nguồn thu. Tuy nhiên, các chỉ đạo hướng dẫn còn “chung chung”, chưa giải quyết được triệt để gốc vấn đề mà ngược lại còn phát sinh bất cập, hệ lụy trong quá trình thực hiện.
Đại biểu nêu ra vấn đề rất lớn, đó là khi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản thì người dân chịu mức thuế cao hơn, theo giá trị trường. Nhưng khi bị thu hồi, đền bù thì áp theo giá nhà nước, thấp hơn giá thị trường. Điều này dẫn đến “bất bình đẳng”.
Ông Bình cũng chỉ ra việc các cơ quan thuế hiện nay không có cơ sở pháp lý rõ ràng để công nhận hay không công nhận mức giá kê khai trong hợp đồng công chứng là giá giao dịch thực tế. Do vậy, khi áp dụng biện pháp để chống thất thu, các địa phương không thống nhất, mỗi địa phương, mỗi người lại áp dụng một kiểu.
Trước tình trạng nêu trên, đại biểu Bình đề nghị Quốc hội sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, thuế. Trong đó quy định xác định giá đất theo giá thị trường đúng như quy định của Luật đất đai. UBND các địa phương cần cập nhật, bám sát giá đất nhà nước để tính thuế và tính chi phí bồi thường cho người dân khi thu hồi đất cho người dân, đảm bảo sự công bằng trong mối quan hệ này.
Đại biểu cũng đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phải quy định rõ ràng các biện pháp chống thất thu thuế theo đúng quy định pháp luật, để các cơ quan thuế địa phương đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, đưa thị trường phát triển lành mạnh, tránh tình trạng nhũng nhiễu, lạm quyền, khó khăn cho người dân.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thực tế hiện nay có 2 cách tính thuế đang được áp dụng, gồm: Dựa vào giá ghi trên hợp đồng và dựa theo khung giá đất do Nhà nước quy định nếu hợp đồng không ghi rõ hoặc giá thấp hơn khung quy định.
Đây chính là “lỗ hổng” để trốn thuế, bởi bảng khung giá đất đang thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Không những vậy, luật cũng quy định đây là những giao dịch dân sự, cho phép người mua và người bán được quyền thỏa thuận, chỉ cần bằng hoặc cao hơn mức Nhà nước quy định, người dân dễ dàng thông qua bảng giá này mà hạ giá trị mua bán trong hợp đồng
Cần các biện pháp “mạnh tay”
Trao đổi với DĐDN, ông Phạm Đức Toản – Tổng giám đốc EZProperty đề xuất để thực hiện tốt việc chống bán nhà hai giá, cần có hệ thống cơ sở giữ liệu giá bình quân, sát giá thị trường làm cơ sở để đấu tranh với người nộp thuế.
Trên cơ sở đối chiếu tìm ra những hợp đồng nghi vấn, đồng thời truy thu với các đối tượng trước đó đã “lách thuế” trót lọt. Đồng thời chuyển hồ sơ kiến nghị Công an điều tra làm rõ với các trường hợp nghi vấn.
Theo bảng giá môi giới đưa ra, tất cả các căn hộ dự án Dreamland Bonanza đều có 2 giá bán. Số tiền chênh giữa tổng giá trị căn hộ và Hợp đồng mua bán từ 400 đến gần 1 tỷ đồng.
GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cũng cho biết, để kiểm soát tình trạng trên, trước hết người dân khi tham gia vào quá trình giao dịch nhà, đất cần phải nhận thức, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho bản thân mình.
Bên cạnh đó, cũng cần thay đổi về quy định của luật pháp, đó là thay đổi về hình thức định giá đất của Nhà nước sát với giá thực tế thị trường. Mức giá đó phải được người dân – người chủ sở hữu nhà hoặc có quyền quyết định trên đất, tài sản đó chấp nhận và chịu nghĩa vụ. Cũng cần có chế tài xử lý nghiêm với các sai phạm, không chỉ xử lý người trốn thuế mà cần có biện pháp mạnh tay hơn.
“Ví dụ, tại một số nước, họ có quy định quyền ưu tiên mua cho cơ quan Nhà nước. Trong trường hợp phát hiện có hành vi giao dịch phi thực tế, Nhà nước có quyền đứng ra mua của người vi phạm với mức giá thấp như đang giao dịch” – ông Cường đề xuất.
Bà Lý Thị Hoài Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết: Cơ quan quản lý thuế đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý hoạt động chuyển nhượng bất động sản bởi theo quy định pháp luật về thuế, người nộp thuế kê khai, nộp thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng thì cơ quan thuế có quyền ấn định thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế không có chức năng điều tra việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế. Để hạn chế và chấm dứt tình trạng trên, theo bà Hương cần hoàn thiện việc quản lý được giá trong giao dịch, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giá của nhà nước để xác định được giá thị trường nhà đất, chỉnh sửa bảng giá đất của nhà nước sát giá thị trường, buộc thanh toán phải qua ngân hàng… |
Theo Phương Uyên
(Diễn Đàn Doanh Nghiệp)