Xu hướng kinh doanh bền vững toàn cầu và khả năng thích ứng của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đã chia sẻ với phóng viên cái nhìn toàn diện về xu hướng phát triển bền vững và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như vai trò quan trọng của các công cụ chính sách…

Xu hướng kinh doanh bền vững toàn cầu và khả năng thích ứng của doanh nghiệp

Ông có thể cho biết xu hướng kinh doanh bền vững toàn cầu hiện nay và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp Việt Nam?

Phải khẳng định rằng cộng đồng doanh nghiệp thế giới đang chuyển mình rất mạnh mẽ hướng tới mục tiêu Net Zero trên hành trình kinh doanh bền vững. Đầu tiên phải kể đến sự thay đổi trong tư duy kinh doanh và định nghĩa về thành công của doanh nghiệp. Các tiêu chuẩn về doanh thu, lợi nhuận, lợi ích cổ đông hay những con số tài chính không còn là thước đo duy nhất cho thành công của doanh nghiệp, mà giờ đây đã mở rộng thêm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ. Chỉ khi cân bằng được chiếc kiềng 3 chân: kinh tế – xã hội – môi trường, doanh nghiệp mới có thể thành công trong thời đại ngày nay.

Cũng chính từ tư duy mới, định nghĩa mới đó mà doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi, có thể nhận thấy qua một số xu hướng kinh doanh điển hình. Đó là: chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn; lồng ghép vấn đề tự nhiên và đa dạng sinh học vào các mục tiêu về khí hậu; củng cố nguồn vốn con người, xây dựng văn hóa đa dạng, bình đẳng và bao trùm; thấm nhuần tư duy quản trị bền vững theo khung Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) từ ban lãnh đạo doanh nghiệp, và công bố minh bạch thông tin của doanh nghiệp thông qua lập và công bố báo cáo bền vững, báo cáo theo khung ESG.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2023, chúng tôi đã giới thiệu những xu hướng này đến đông đảo các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn, để từ đó nâng cao nhận thức, đưa doanh nghiệp nước nhà tiệm cận hơn, bắt kịp với các xu thế kinh doanh đương đại trên thế giới. Với cơ cấu hơn 96% là doanh nghiệp NVV tại Việt Nam thì rõ ràng việc chuyển đổi trong cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta sẽ có nhiều thách thức. Tuy nhiên, với các sức ép từ sự thay đổi trong hành lang pháp lý, yêu cầu từ người tiêu dùng, các nhà đầu tư, thị trường xuất khẩu, tôi tin rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc mình phải thay đổi để thích ứng tốt hơn trong bối cảnh mới hiện nay. Bên cạnh đó, hiện chúng ta có nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp “đầu tàu” như PNJ, SASCO, Bảo Việt, Traphaco, Vinamilk, PAN Group, TBS, TNG, v.v đang tiên phong thực hiện phát triển bền vững mạnh mẽ. Chính những doanh nghiệp này sẽ lan tỏa tinh thần phát triển bền vững đến các doanh nghiệp NVV trong chuỗi giá trị của mình, hỗ trợ và tạo động lực, sức ép cho sự chuyển đổi sang kinh doanh bền vững.

Theo ông đâu là thách thức cũng như cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam?

Đối với mục tiêu phát triển bền vững nói chung và mục tiêu Net Zero vào năm 2050 nói riêng thì tại VCSF 2023, các nội dung thảo luận về thúc đẩy sáng kiến kinh doanh hướng tới nền kinh tế các-bon thấp, xây dựng chuỗi cung ứng xanh, thực hành ESG, chuyển đổi năng lượng đã một lần nữa chỉ ra rằng thách thức luôn song hành với cơ hội.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với một số thách thức chính yếu như: thiếu am hiểu cần thiết để đáp ứng các chuẩn mực cao về môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị doanh nghiệp; hạn chế về nguồn lực; hạn chế về công nghệ sản xuất cũ hiện đang sử dụng và khó có thể thay thế công nghệ mới ngay được; năng lực quản trị doanh nghiệp còn yếu; khung hành lang pháp lý chưa đồng bộ, theo kịp với yêu cầu hiện tại và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp khi triển khai thực tế.

Ngược lại, khi doanh nghiệp nắm bắt được những xu hướng kinh doanh bền vững của thế giới mà tôi đã chia sẻ, biết tận dụng thời cơ để chuyển đổi thì sẽ có thể biến thách thức thành cơ hội. Đơn cử như xu hướng chuyển dịch đầu tư tăng trưởng xanh sang các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Để đón đầu xu hướng này thì bên cạnh nỗ lực tạo hành lang pháp lý thuận lợi của Chính phủ, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt cơ hội. Có thể kể đến 9 dự án carbon thấp tại Việt Nam đã được chọn để tham gia “Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu” (CFA) của Chính phủ Anh, trị giá 11.8 triệu bảng Anh. Các lĩnh vực được lựa chọn trong giai đoạn đầu như năng lượng tái tạo, sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả, vận tải điện, AFOLU (nông nghiệp, lâm nghiệp và các hình thức sử dụng đất khác), phi carbon hóa trong ngành xây dựng, kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải,… là những ngành có tiềm năng mang lại lợi ích cho cộng đồng trên khắp lãnh thổ Việt Nam.

Hay để nắm bắt những cơ hội từ kinh doanh bền vững, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng, quan tâm nhiều hơn đến việc cải thiện hoạt động quản trị doanh nghiệp bền vững. Tôi khuyến nghị các doanh nghiệp nghiên cứu và sớm áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) – một công cụ hỗ trợ quản trị DN bền vững dành riêng cho doanh nghiệp Việt Nam mà VCCI đã dày công phát triển và giới thiệu từ năm 2016.

Cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các công cụ chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, VCCI và VBCSD có khuyến nghị gì, thưa ông?

Áp lực mạnh mẽ từ thị trường và người tiêu dùng đòi hỏi các doanh nghiệp và Chính phủ cần hành động quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa mà trong đó chuyển đổi mô hinh sản xuất truyền thống hiện nay sang mô hình kinh tế tuần hoàn là một đòi hỏi bức thiết.

Mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi các Chính phủ, doanh nghiệp cần có một cách tiếp cận toàn diện, hệ thống, có tính kết nối cao và sáng tạo vì vậy, với vai trò tiên phong của VBCSD-VCCI, tôi cho rằng có các vần đề về chính sách cần được ưu tiên hoàn thiện để tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi, trong đó có các vấn đề cụ thể sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần sớm ban hành kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn trong đó phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương trong những vấn đề xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ sở dữ liệu kết nối, quy hoạch vùng, khu công nghiệp…. Đây có thể là một trong những khung chính sách quan trọng nhất nhằm thúc đẩy các mô hình kinh doanh tuần hoàn được doanh nghiệp triển khai

Thứ hai, xây dựng chính sách thuế đối với các sản phẩm áp dụng kinh tế tuần hoàn có thể cạnh tranh cũng như được sự chấp nhận từ người tiêu dùng.

Thứ ba, nhanh chóng hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn phân loại dự án xanh, sản phẩm xanh nhằm mục đích kết nối được khối tài chính với khối doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn ưu đãi để đầu tư chuyển đổi và áp dụng công nghệ.

Nói một cách tổng quát là chúng ta cần có một lộ trình chuyển đổi cho từng dòng vật chất, nguyên liệu, nhiên liệu nhằm bảo toàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái.

Những kiến nghị này cũng đã được đưa ra tại Diễn đàn VCSF 2023 và sẽ được VCCI, VBCSD tổng hợp, báo cáo lên Chính phủ để tiếp tục khơi thông “dòng chảy” pháp lý, tạo thuận lợi và tiếp thêm động lực cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi chiến lược kinh doanh bền vững trong tương lai.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum

Bài Viết Liên Quan

Back to top button