Xe máy xăng gây ô nhiễm hơn cả ô tô

Xe máy xăng gây ô nhiễm lớn, vì vậy, giảm phát thải là vô cùng cần thiết. Chuyển đổi xe máy điện sẽ góp phần cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ môi trường.

Xe máy xăng gây ô nhiễm lớn

Theo số liệu của Ủy ban Nhân dân tp Hà Nội, tính đến cuối năm 2024 toàn thành phố có 7 triệu xe máy đăng ký và khoảng 1,2 triệu xe máy từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn, tốc độ tăng trưởng của xe máy bình quân khoảng 3%/ năm. Còn theo Ủy ban Nhân dân tp Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2024 toàn thành phố có khoảng 8,5 triệu xe máy đăng ký và khoảng 1,5 triệu – 2 triệu xe máy từ các địa phương khác tham gia giao thông trên địa bàn, tốc độ tăng trưởng bình quân của xe máy hơn 4%/năm. Trong đó, xe máy xăng chiếm khoảng 95% tổng số xe máy của 2 thành phố.

Xe máy xăng gây ô nhiễm hơn cả ô tô

Chia sẻ tại buổi toạ đàm “Chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau” diễn ra sáng 21/7 tại Hà Nội, PGS TS Hoàng Anh Lê, Trưởng bộ môn Quản lý môi trường, Khoa môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học tại Việt Nam và Anh quốc đã chỉ ra, ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông tại Hà Nội có sự phân hóa rõ rệt theo thời gian và loại hình phương tiện. Ban ngày xe máy là nguồn phát thải chủ yếu, trong khi đó vào ban đêm, xe tải hạng nặng lại chiếm ưu thế. Đáng chú ý, xe máy phương tiện có mức độ ô nhiễm cao hơn so với ô tô. Lý do là xe máy chiếm số lượng lớn nên tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải trực tiếp qua ống xả mà không có hệ thống xử lý khí thải như ô tô. Không những thế, do tốc độ di chuyển thấp và phải dừng đèn đỏ nhiều trong thành phố, cũng là nguyên nhân làm gia tăng lượng phát thải từ xe máy.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty Công nghệ Đức Việt (TP Hồ Chí Minh), do chỉ sử dụng công nghệ trung bình nên xe máy luôn có lượng phát thải khí độc hại cao, thậm chí cao hơn cả những chiếc ô tô đời mới, có thể coi là những “trạm phát thải di động”.

Ông Nguyễn Đông Phong, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm khí thải xe cơ giới đường bộ, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Xây dựng) cho rằng, số lượng xe máy cả nước rất lớn, tới hơn 70 triệu chiếc, tập trung ở những khu vực đô thị đông dân cư. Trong khi việc kiểm soát khí thải xe máy đang lưu thông tại Việt Nam lại chưa thực hiện được. Vì vậy, giảm phát thải đối với xe máy vô cùng cần thiết. Để giải quyết thực trạng này, chuyển đổi xe máy điện sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải, góp phần cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ môi trường.

Xu thế bắt buộc

GS TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban Khoa học Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, cho rằng, xu thế chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông và năng lượng, Việt Nam không thể đứng ngoài. Việc chuyển đổi này là xu thế bắt buộc, không chỉ vì cam kết giảm phát thải mà còn vì nhu cầu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống của người dân. Chuyển đổi từ ô tô và xe máy sử dụng xăng dầu sang các phương tiện thân thiện với môi trường hơn, như xe điện không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực về an toàn giao thông. Ngoài ra còn mở ra các cơ hội việc làm mới trong chuỗi cung ứng, sản xuất và dịch vụ liên quan đến phương tiện xanh.

Xe máy xăng gây ô nhiễm hơn cả ô tô

Tuy nhiên, chuyển đổi phương tiện không chỉ là một quyết định mà còn liên quan đến kỹ thuật, hạ tầng, hệ sinh thái và thay đổi hành vi và văn hóa sử dụng phương tiện.

Việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện, cần giải quyết rất nhiều bài toán. Bởi vì việc này tác động rất lớn đến xã hội và đời sống người dân. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi này. Cụ thể như: đơn giản hóa và miễn phí thủ tục đăng ký xe điện, hỗ trợ chi phí… để khuyến khích người dân sử dụng.

Một vấn đề cần nhấn mạnh đó là khi chuyển đổi xe máy chạy xăng sang xe điện cần giải quyết bài toán về hệ thống trạm sạc và đơn vị cung cấp điện. Bên cạnh đó còn phải giải quyết triệt để bài toán về rác thải pin như giảm thiểu việc thải bỏ pin, tái chế và chuyển mục đích sử dụng pin thải. Đồng thời, phải phát triển công nghệ xử lý pin thải và quy định chặt chẽ về hoạt động xử lý pin thải.

Tất cả những việc này cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền địa phương và các bên liên quan để triển khai hiệu quả việc chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện, GS TS Hoàng Xuân Cơ nói.

HẢI LINH – Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Để lại một bình luận

Back to top button