Xây dựng văn hoá cà phê cho phát triển bền vững
Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu, xây dựng văn hóa cà phê để dẫn dắt ngành hàng cà phê phát triển với sự chung tay từ bà con nông dân cho đến các doanh nghiệp, nhà phân phối, chính quyền địa phương…
Tỉnh Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất cả nước, ngành cà phê của tỉnh đã có những bước tiến mới, xây dựng được thương hiệu. Tính đến năm 2022, Việt Nam có diện tích hơn 710.000 ha cà phê, sản lượng 1,84 triệu tấn. Năm 2022, cả nước xuất khẩu khoảng 1,7 triệu tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4 tỉ USD. Trong đó, Đắk Lắk có hơn 213.000 ha cà phê, sản lượng gần 527.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Đắk Lắk năm 2022 đạt khoảng 800 triệu USD, chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước.
Tuy nhiên, cà phê Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung vẫn đối mặt với nhiều thách thức như: sản xuất thiếu bền vững, lạm dụng phân bón, xuất khẩu sản phẩm thô…
Nói như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà thì sản xuất cà phê của Việt Nam cũng như của tỉnh Đắk Lắk vẫn đang gặp nhiều thách thức như ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, diện tích sản xuất nhỏ lẻ manh mún; khai thác đất quá mức, lạm dụng phân vô cơ, chưa được xử lý triệt để chất thải, thiếu tính bền vững; phần lớn sản xuất chưa phát triển theo hướng chuỗi giá trị, nhiều HTX được thành lập nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động còn hạn chế; kết cấu hạ tầng sản xuất thiếu đồng bộ, đặc biệt là cơ sở chế biến chưa đáp ứng được thực tế tiễn sản xuất; sản phẩm chủ yếu chế biến thô, thiếu chế biến sâu nên chưa nâng cao được giá trị gia tăng cho ngành hàng cà phê.
“Đây rõ ràng là thách thức lớn nhưng chúng ta cũng nên nhìn nhận như là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê thay đổi cách nhìn về một nền nông nghiệp phát triển xanh và bền vững”, ông Nguyễn Tuấn Hà nhận định.
Cùng quan điểm, ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (VICOFA) nhận định, ngành cà phê Việt Nam còn nhiều thách thức về cán cân cung cầu cà phê; sự thịnh vượng của người trồng cà phê; Trách nhiệm giải trình; Tiêu dùng nội địa; Biến đổi khí hậu và các quy định mới của các nước nhập khẩu.
Đề xuất giải pháp cho tồn tại này, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT đề xuất 8 giải pháp phát triển cà phê chất lượng cao của Việt Nam.
Trước hết, hỗ trợ các chương trình cho tỉnh về tập huấn kỹ thuật, giống, mô hình trồng mới, các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến tiến, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm vật tư đầu vào và phát thải cho người sản xuất, truy xuất nguồn gốc, HTX nhằm cải tạo vườn cà phê đã già cỗi góp phần nâng cao năng suất chất lượng cà phê.
Bên cạnh đó, xây dựng Chương trình, Dự án khảo nghiệm để lựa chọn ra các giống cà phê mới phù hợp với yêu cầu sinh thái và vượt trội về năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu phục vụ cho tái canh diện tích cà phê già cỗi và trồng mới để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê.
Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, cải tạo đất để gìn giữ và duy trì tính chất lý hóa của đất. Kiểm soát điều kiện đất đai, nguồn nước và các yếu tố khác để bảo vệ vùng trồng cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản.
Khuyến khích các trang trại, hộ sản xuất hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm hình thành chuỗi liên kết trong đầu tư phát triển vùng nguyên 27 liệu, thu mua nguyên liệu đầu vào, trao đổi kỹ thuật sản xuất, tiếp cận chuyển giao khoa học công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê.
Cùng với đó, hỗ trợ công nghệ cơ khí hóa, tự động hóa trong chế biến chế biến sâu bảo quản đảm bảo chất lượng cà phê đặc sản có hương vị đặc trưng riêng, đáp ứng nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Cụ thể, nâng tỷ lệ cà phê chế biến ướt từ 10% hiện nay lên 30%; tỷ lệ cà phê hoà tan, cà phê rang xay đạt 25% sản lượng; Hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tạo dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu cà phê đặc sản, nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê và tăng thu nhập cho người sản xuất.
Khẳng định ngành cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng cần xem xét, tư duy đến việc xây dựng văn hóa cà phê để cà phê Việt Nam tăng thêm giá trị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu, xây dựng văn hóa cà phê để dẫn dắt ngành hàng cà phê phát triển.
“Việc xây dựng văn hóa cà phê cần phải có sự chung tay từ bà con nông dân cho đến các doanh nghiệp, nhà phân phối, chính quyền địa phương và cả những ngành văn hóa”, bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngoài việc khai thác cà phê làm thức uống, cũng cần nghiên cứu, có những biện pháp để tận dụng loài cây này từ lá, thân, rễ, bã cà phê… tạo ra những sản phẩm phụ, đem lại nguồn lợi cho người trồng cà phê và cả ngành hàng.
“Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới. Nhưng trong thương trường không có gì là vĩnh cửu. Chúng ta phải học hỏi, thay đổi để vươn lên, làm nên sự khác biệt của cà phê Việt, để bán giá trị của sự khác biệt trong cà phê”, Bộ Trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.