“Xảo trá” thị trường thực phẩm chức năng – Bài 4: “Đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo”
Thực phẩm chức năng chứa chất cấm, làm giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, thổi phồng công dụng như “thần dược” đang là vấn đề nhức nhối khi được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội…
Xung quanh câu chuyện “xảo trá” thị trường thực phẩm chức năng hiện nay, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường đánh giá, thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ kém chất lượng xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu. Thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng được quảng cáo chữa nhiều loại bệnh khác nhau, từ chữa xương khớp, tiêu hoá, tim mạch… và cả ung thư. Nếu như trước đây, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng sản xuất trong nước với quy mô thủ công nhỏ lẻ là chủ yếu, thì nay đã thành quy mô công nghiệp, thậm chí còn sản xuất giả ở nước ngoài và đưa về trong nước tiêu thụ.
Thời quan qua, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ sản xuất, vận chuyển, mua bán thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ có đợt bắt cả chục tấn nguyên liệu làm giả. Điển hình như mới đây, ngày 31/5/2023, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội cùng Công an huyện Chương Mỹ đã tiến hành kiểm tra đột xuất một địa điểm tại thôn Cao Sơn, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội. Tại đây, hàng chục nghìn lọ thực phẩm chức năng giả mới “ra lò” đã bị phát hiện.
Theo ghi nhận tại cơ sở này có gần 12.000 lọ/ hộp thực phẩm chức năng đã được đóng gói thành phẩm với bao bì nhãn mác bắt mắt. Đáng chú ý, mặc dù được cho sản xuất và đóng gói tại căn nhà chật hẹp, tuy nhiên phía bên ngoài các vỏ hộp phần lớn được thể hiện có xuất xứ từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Bên cạnh đó, một lượng lớn sản phẩm thành phẩm tại đây còn thể hiện đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là các doanh nghiệp trong nước như: Công ty TNHH Supharmco; Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhận khẩu Lady cara; Công ty TNHH Thương mại GENIX, Công ty Cổ phần Thịnh Tâm Đường, Công ty TNHH thương mại Tavuco Việt Nam….
Ngoài số hàng hóa thành phẩm trên, lực lượng chức năng còn ghi nhận tại cơ sở kinh doanh chứa 4.070 lọ nhựa đựng 20 viên sủi/lọ không có nhãn mác; 67 kg viên thuốc các loại không có nhãn mác; 44.656 chiếc tem nhãn giấy các loại có chữ Lady, Xtraman, Toca, V3, tem chống hàng giả; 15.478 chiếc vỏ hộp giấy các loại cùng 1 chiếc máy khò nhiệt và 1 chiếc máy ép nhiệt đã qua sử dụng nhãn có chữ nước ngoài.
Trước đó, vào giữa năm 2022, Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố, bắt tạm giam 2 giám đốc sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng với số lượng lớn là Vũ Văn Sỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao UEPHA (xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) và Ong Thị Vân, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và đầu tư Nam Phong (Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Liên quan tới vụ án này, trước đó, Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt quả tang công ty của Sỹ sản xuất hàng giả là thực phẩm chức năng Collagen, thu 16 thùng chứa các viên nang Collagen với tổng trọng lượng khoảng 600kg; 13 thùng chứa vỏ hộp giấy, hộp nhựa, tem nhãn Collagen, 3 máy khò… Đến cuối tháng 11/2022, Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Thị Lan (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) để làm rõ hành vi “làm, buôn bán tem giả” do có liên quan đến công ty của Sỹ.
Trả lời báo chí xung quanh câu chuyện này, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, bên cạnh doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng làm ăn chân chính, còn nhiều doanh nghiệp đưa ra thị trường sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Thậm chí, có doanh nghiệp với sản phẩm đưa đi công bố là mua của người khác, khi sản xuất ra chất lượng lại khác với công bố…
Điển hình là Công ty cổ phần Sữa Hà Lan, khi đăng ký với cơ quan quản lý chất lượng một đằng, nhưng lô hàng sản xuất ra chỉ đạt chỉ tiêu dưới 70% so với công bố và ghi trên nhãn hộp. Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại công ty này.
Trả lời câu hỏi, vì sao thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng ngày càng nở rộ? ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, doanh nghiệp tự công bố chất lượng nộp cho Cục An toàn thực phẩm, tự sản xuất và tự chịu trách nhiệm nên khi công bố một đằng, nhưng sản xuất lại một nẻo. Hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, lực lượng Quản lý thị trường phải đi hậu kiểm, trong khi cơ quan này còn quản lý rất nhiều hàng hoá khác. Ông Lê cũng nêu thực trạng báo động nữa là do chưa có tiền kiểm, mà chỉ có hậu kiểm, nên cơ quan chức năng kiểm tra không đạt chất lượng, khi phát hiện vi phạm thì người tiêu dùng đã sử dụng rồi.
Còn nữa…