“Xanh hóa” ngành thép: Cần trợ lực từ chính sách

Để tiến tới một ngành sản xuất thép có khả năng cạnh tranh và phát triển xanh, theo chuyên gia, ngành thép Việt cần thêm chính sách trợ lực từ Chính phủ.

Thực tế cho thấy, sau gần 10 năm (từ 2015), ngành công nghiệp thép Việt Nam đã vươn lên vị trí hàng đầu ASEAN về sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm, và đứng thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô năm 2023, với sản lượng đạt 20 triệu tấn. Hiện cả nước có trên 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất gang thép, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho xã hội.

Mặt khác, cùng với xi măng và hóa chất, thép là một trong 3 ngành phát thải khí nhà kính lớn của thế giới, phải chịu trách nhiệm cho 8% phát thải toàn cầu. Theo tính toán của chuyên gia, ngành thép chịu trách nhiệm cho 7-9% tổng lượng phát thải quốc gia và chiếm khoảng 46% quá trình công nghiệp.

“Xanh hóa” ngành thép: Cần trợ lực từ chính sách
Theo tính toán của chuyên gia, ngành thép chịu trách nhiệm cho 7-9% tổng lượng phát thải quốc gia và chiếm khoảng 46% quá trình công nghiệp – Ảnh minh họa: ITN

Đặc biệt, trong xu hướng xanh hóa toàn cầu hiện nay, các nỗ lực cam kết đạt được phát thải ròng bằng không (NetZero) của các quốc gia và sự hợp tác quốc tế đang tạo ra sức ép chuyển đổi lớn trong các ngành sản xuất thép. Đơn cử, Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo áp dụng chính sách Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), đánh thuế carbon đối với các nhà sản xuất xuất khẩu đến thị trường này, bao gồm cả sản phẩm thép. Chính sách sẽ được chính thức áp dụng từ tháng 1/2026.

Tuy vậy, thực hiện giảm phát thải không phải là một việc đơn giản. Điều này đòi hỏi nguồn vốn lớn, công nghệ sản xuất tiên tiến hơn. Trong bối cảnh ngành thép đang gặp nhiều khó khăn về giá thấp, đầu ra sản phẩm kém, tác động từ các biện pháp phòng vệ thương mại… thì đây là việc không dễ.

Do đó, để đạt được mục tiêu chuyển đổi xanh, theo các chuyên gia, ngành thép cần sự hỗ trợ từ Chính phủ trong xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư về công nghệ sản xuất xanh… Có thể thông qua cơ chế về lãi suất, ưu đãi về nguồn vốn. Bản thân Chính phủ cũng cần hỗ trợ việc chuyển đổi nguồn năng lượng xanh sớm để từ đó thực hiện mục tiêu giảm phát thải.

“Xanh hóa” ngành thép: Cần trợ lực từ chính sách
Để đạt được mục tiêu chuyển đổi xanh, theo các chuyên gia, ngành thép cần chính sách trợ lực từ Chính phủ – Ảnh minh họa: ITN

Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nay, tùy từng thị trường sẽ có những bước tiến khác nhau trong việc áp dụng yêu cầu về chuyển đổi xanh, giảm phát thải. Dù vậy, đây là xu hướng không thể đảo ngược.

“Tôi rất chia sẻ với khó khăn của ngành thép nhưng cũng rất mừng khi ngành đã nhận thức rõ về điều này, đã sẵn sàng cho câu chuyện chuyển đổi. Có điều cần thêm những nguồn lực, hỗ trợ từ góc độ chính sách để ngành và doanh nghiệp trong ngành làm tốt hơn”, bà Trang bày tỏ.

Theo chuyên gia này, việc chuyển đổi xanh nói chung và giảm phát thải nói riêng không chỉ cần nỗ lực của doanh nghiệp ngành thép mà còn cần nỗ lực chung của cả một hệ thống. Chẳng hạn, với ngành thép, chuyển đổi năng lượng không theo kịp thì ngành thép không “xanh” theo được. Hay dệt may muốn chuyển đổi nhưng không có nguyên liệu, nhà máy xanh thì không thể tạo ra sản phẩm xanh.

“Nỗ lực của doanh nghiệp, của ngành là chưa đủ mà cần sự chuyển động mang tính tổng thể, bao trùm liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Việt Nam cần có những bước đi tổng thể với sự tham gia của nhiều ngành cùng lúc”, bà Trang nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng để phát triển ngành thép Việt Nam.

Trong chuyển đổi xanh, dù doanh nghiệp tự nhận thức được chuyển đổi xanh là cần thiết nhưng nếu để doanh nghiệp tự làm sẽ là thách thức lớn. Ngành thép không thể chủ động làm được tất cả những gì liên quan đến chuyển đổi xanh, chẳng hạn như chuyển đổi năng lượng, thay vào đó cần sự chủ động, hỗ trợ và vào cuộc của các bên liên quan.

“Ngoài ra, cần huy động nguồn lực, sự tham gia của tất cả doanh nghiệp khu vực tư nhân, sự phối hợp giữa Nhà nước với tư nhân và biện pháp hỗ trợ phải theo cơ chế thị trường”, ông Phan Đức Hiếu chia sẻ.

Xoay quanh vấn đề này, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, ngành thép Việt Nam và các doanh nghiệp thép đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan để có hành động đáp ứng được Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM). Thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp và lộ trình triển khai nhằm cân bằng việc dần giảm phát thải carbon, đảm bảo tiến tới một ngành sản xuất thép có khả năng cạnh tranh và phát triển xanh.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Back to top button