Vực dậy những chỉ số “việt vị” của PCI Nghệ An
Xây dựng ma trận điểm chỉ số thứ cấp, để vừa điều hành được, lại vừa để tổng hợp thành điểm PCI cao. Dựa vào ma trận chỉ số, đánh giá thường xuyên, đưa ra giải pháp thường xuyên…
Đây là một trong những giải pháp mà Nghệ An đưa ra tại hội thảo Đánh giá chỉ số PCI tỉnh Nghệ An năm 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong giai đoạn tới” do UBND tỉnh Nghệ An và VCCI tổ chức tại TP Vinh diễn ra vào chiều ngày 08/9/2022.
“Nhận diện” các chỉ số thành phần đi xuống
Trong 10 chỉ số thành phần của PCI – Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index), năm 2021, Nghệ An có 05 chỉ số giảm gồm: Gia nhập thị trường từ 7,39 xuống 6,99; Chi phí thời gian từ 7,61 xuống 7,54; Tính cạnh tranh bình đẳng từ 6,35 xuống còn 4,21; Đào tạo lao động 6,25 xuống còn 5,82; Tính năng động của chính quyền địa phương từ 6,31 xuống còn 6,27.
Đây là con số mà không ít giới đầu tư cũng như doanh nghiệp đặc biệt quan tâm khi vì sao hàng loạt thang điểm quan trọng của Nghệ An lại giảm mạnh như vậy? Trong đó, chỉ số thành phần ở mục “tính cạnh tranh bình đẳng” rớt điểm mạnh tận 2,14 điểm (năm 2020 ở mức 6,35 nhưng năm 2021 xuống còn 4,21) là con số đáng báo động cho địa hương này.
Đáng quan tâm, riêng về chỉ số đào tạo lao động cũng đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm nhưng điểm thành phần xếp hạng lại đi xuống. Bởi lợi thế của Nghệ An về lực lượng lao động đông đảo và giá rẻ không còn là điểm lợi thế trong thu hút đầu tư bởi nhu cầu của doanh nghiệp về lao động không được đáp ứng hiệu quả, kịp thời.
Mặc dù chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động của doanh nghiệp thấp hơn so với bình quân cả nước nhưng chỉ tiêu “Lao động tại địa phương đáp ứng hoàn toàn/phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp” lại rất thấp (xếp thứ 57/63); Chỉ tiêu “tuyển dụng dễ dàng” với đối tượng lao động phổ thông và cán bộ kỹ thuật cũng bị đánh giá thấp.
Điều này chứng tỏ doanh nghiệp khó tuyển được lao động có chất lượng trong khi Nghệ An là địa phương đông dân, có hệ thống giáo dục nghề nghiệp khá bài bản, đồng bộ và được quan tâm đầu tư. Thực tế này phản ánh chất lượng lao động, cơ cấu giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu thực tế và hiện tượng dịch chuyển lao động hay lao động địa phương có xu hướng tìm việc làm ở địa phương khác là vấn đề đáng quan ngại.
Theo Trung tâm xúc tiến đầu tư và du lịch (TTXTĐTDL) tỉnh Nghệ An, dư địa để cải thiện chỉ số này còn nhiều khi đề án “Giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2021-2025” được triển khai trong thực tiễn.
Bên cạnh 10 chỉ số thành phần PCI thì tính cạnh tranh bình đẳng cũng là yếu tố rất quan trọng để đánh giá môi trường kinh doanh được đông đảo nhà đầu tư lẫn người dân quan tâm. Hay còn được hiểu là chỉ số phản ánh đánh giá và yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước về môi trường kinh doanh bình đẳng. Nếu cạnh tranh không công bằng, thiếu công khai, minh bạch thì môi trường đầu tư sẽ bị tác động rất lớn theo chiều hướng xấu đi và ngược lại.
Ở góc độ này có thể thấy rõ trong việc ứng xử ở thủ tục cái cách hành chính, cơ chế chính sách mà chính quyền ban hành, mặc định đối với doanh nghiệp, người dân tham gia sản xuất kinh doanh ở địa phương này. Nó có thể cụ thể hoá bằng việc “bao thầu”, “vây thầu”, “chỉ định thầu”…cho doanh nghiệp thân quen, là “sân trước, sân sau” trên nhiều lĩnh vực mà doanh nghiệp không thân quen khó có thể rộng cửa để vào tiếp cận. Nhiều vụ án liên quan đến vụ việc thiếu cạnh tranh bình đẳng trong môi trường kinh doanh thông qua việc thông thầu, vây thầu…đã được khởi tố, bắt tạm giam nhiều đối tượng liên quan trong đó có cả quan chức đầu ngành.
Trong khi đó, Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013, Ðiều 51, điểm 2 ghi: “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”.
“Đại phẫu” để vực dậy chỉ số PCI
Báo cáo của TTXTĐTDL tỉnh Nghệ An tại hội thảo “Đánh giá chỉ số PCI tỉnh Nghệ An năm 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong giai đoạn tới” diễn ra vào chiều ngày 08/9/2022, nhiều vấn đề liên quan đến các chỉ số thành phần của PCI của địa phương này cũng được phân tích, nêu thực trạng và đề ra các giải pháp khắc phục.
Đối với chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất, đa số doanh nghiệp cho rằng, các thủ tục đất đai phải đơn giản và dễ hiểu; Cán bộ công chức không những cần phải có trình độ ngày cao mà còn phải có thái độ sẵn sàng hỗ trợ, chủ động tư vấn pháp lý về đất đai cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Điểm tích cực là Nghệ An có ¾ biến mới cao trên mức bình quân của cả nước. Tuy nhiên, những tồn tại trong lĩnh vực này chậm được cải thiện (doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, thủ tục cấp GCNQSDĐ còn rườm rà và bị nhũng nhiễu) nên chỉ tiêu này của Nghệ An năm 2021 không những không được cải thiện mà còn bị trôi về Top cuối (giảm 5 bậc, đứng thứ 42/63).
Ông Đậu Anh Tuấn – Uỷ viên Ban thường trực, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng, tính năng động và tiên phong của chính quyền, Nghệ An đều bị đánh giá thấp, cho thấy kết quả hành động của chính quyền chưa đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp. Thực tế, việc kết nối giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp thông qua các sở, ban, ngành chưa được thiết lập được một cách thông suốt và hiệu quả, nên các hành động của chính quyền chưa tạo ra các chuyển biến tích cực cho hoạt động của doanh nghiệp.
Đây cũng là nguyên nhân làm giảm thứ hạng của các chỉ tiêu đo lường phản ứng của tỉnh khi có điểm chưa rõ trong chính sách/văn bản trung ương hay chỉ tiêu về giải quyết các vấn đề mới phát sinh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Thực tế này cho thấy các cấp chính quyền của tỉnh quá thận trọng trong chấp pháp trong khi có chính sách chưa sát thực tế nên chưa làm hài lòng cộng đồng doanh nghiệp.
Đây là chỉ số mà Nghệ An có sự tụt hạng lớn nhất so với năm 2020 mặc dù cách đánh giá không có biến động lớn (giữ nguyên 7/9 chỉ tiêu). Tất cả 9 chỉ tiêu của chỉ số này Nghệ An đều bị đánh giá thấp hơn mặt bằng chung của cả nước, trong đó có tới 5/9 chỉ tiêu xếp hạng bằng và thấp hơn 50/63 cho thấy đây là vấn đề trọng tâm cần tập trung cải cách hiện nay.
Ông Đậu Anh Tuấn cũng khuyến nghị cho địa phương rất nhiều nội dung quan trong, trong đó Nghệ An cần xây dựng chương trình hỗ trọ doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên địa bàn, chương trình thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp.
Mặt khác, địa phương cũng cần thực hiện việc đánh giá thực thi của sở, ngành, quận, huyện một cách thường xuyên, thực chất và khoa học để cải thiện chỉ số PCI của Nghệ An trong thời gian tới.
Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp