Vụ doanh nghiệp kêu cứu vì “luật riêng” tại B6 Giảng Võ (Hà Nội): “Lạ lùng” một Hội nghị chung cư
Một Hội nghị thường niên tại chung cư B6 Giảng Võ để bầu Ban quản trị khóa mới vừa diễn ra với nhiều điều “lạ lùng” sau khi Ban quản trị nơi này bị tố dùng “luật riêng” để “o ép” doanh nghiệp…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, mặc dù Công ty TNHH Dịch vụ và Phát triển WI (địa chỉ tại tầng 19, tòa B Epic Tower, Số 19 phố Duy Tân, Phường Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) là chủ sở hữu hợp pháp bất động sản Kiot thương mại dịch vụ tại tầng 2 chung cư B6 Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), nhưng khi triển khai hoạt động luôn bị Ban quản trị tòa nhà làm khó, cản trở khiến kinh doanh bị ngưng trệ, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề.
Cụ thể, không chỉ “cấm” doanh nghiệp treo biển bảng quảng cáo, Ban quản trị tòa nhà còn ban hành nội quy “cấm” khách hàng và đơn vị kinh doanh đi lối đi chung. Trong bảng nội quy của Ban quản trị tòa nhà cũng yêu cầu rõ: “ Khách ra vào trung tâm thương mại dịch vụ tầng 2 phải đi lối đi riêng, không đi chung lối đi với cư dân (thang máy, thang bộ, lối khác dành cho cư dân).
Cũng theo quan sát của phóng viên, hiện nay, do không thể hoạt động nên đơn vị thuê mặt bằng để kinh doanh đã phải dỡ bỏ hoàn toàn các hạng mục đã đầu tư. Mặt bằng nơi này đã biến thành một đống đổ nát, khung cảnh hoang tàn…Toàn bộ mặt sàn thương mại, dịch vụ tại tầng 2 chất chồng những đống “phế liệu” là các hạng mục hạ tầng mới bị tháo dỡ.
“Tự hủy” kết quả bầu Ban quản trị
Đáng chú ý, trong một diễn biến mới đây, trước áp lực từ dư luận về những bất thường diễn ra tại chung cư B6 Giảng Võ, Ban quản trị chung cư này tiếp tục có những động thái “lạ” khi bất chấp chỉ đạo của UBND phường Giảng Võ (quận Ba Đình, TP. Hà Nội) để tổ chức Hội nghị bầu Ban quản trị chung cư khóa mới khiến nhiều cư dân thêm bức xúc. Theo đó, ngày 25/1/2024, dù UBND phường Giảng Võ đã có văn bản số 65/UBND đề nghị hoãn tổ chức Hội nghị nhà chung cư do Ban quản trị thiếu công khai, minh bạch, cản trở cư dân ứng cử.
“UBND phường Giảng Võ đề nghị Ban quản trị nhà chung cư B6 tạm thời chưa tổ chức Hội nghị vào ngày 28/1/2024; trường hợp Hội nghị nhà chung cư B6 Giảng Võ tổ chức không đúng theo quy định, UBND phường Giảng Võ sẽ không đủ cơ sở pháp lý để ban hành Quyết định công nhận Ban quản trị chung cư”, văn bản của UBND phường Giảng Võ nêu.
Tuy nhiên, diễn biễn bất ngờ khi Ban quản trị vẫn bất chấp chỉ đạo của UBND phường Giảng Võ để ráo riết tổ chức Hội nghị vào sáng ngày 28/01/2024. Đến phút cuối cùng, Đoàn chủ tịch lại “tự hủy” kết quả bầu cử và giải tán Hội nghị bởi cho rằng, quá trình tổ chức có một số nội dung vi phạm quy định pháp luật.
Cũng trong quá trình Hội nghị diễn ra, nhiều cư dân bức xúc đã có những phản ứng hết sức gay gắt, quyết liệt trước Dự thảo quy chế Hội nghị do Ban quản trị tòa nhà chung cư B6 Giảng Võ soạn thảo. Trao đổi với phóng viên ngay tại Hội nghị, một cư dân (xin không nêu tên) cho biết, Dự thảo này có nhiều nội dung trái luật, vi phạm nguyên tắc dân chủ. “Tưởng như một số thành viên Ban quản trị xin không tham gia Ban quản trị khóa mới để bầu nhân sự mới, nhưng dường như, họ vẫn đang sắp xếp một ê-kip khác để có thể đứng sau điều hành vì các lợi ích tại chung cư này”, người này bức xúc nói.
Trong một diễn biến khác, cũng trong Hội nghị này, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Trưởng Ban quản trị Nhà chung cư B6 Giảng Võ đã cho biết lý do vì sao Ban quản trị không thực hiện việc xác định diện tích sở hữu chung, riêng và nhận bàn giao các hạng mục thiết bị còn lại theo đề nghị của chủ đầu tư (Tổng Công ty 36 – PV). Theo đó, ông Quỳnh lý giải rằng, “do chủ đầu tư không có hồ sơ gốc”.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên về nội dung này, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Đại diện Tổng Công ty 36 lại khẳng định, toàn bộ hồ sơ đã được đơn vị gửi bàn giao theo đúng quy định của Thông tư 02. Theo ông Hùng, những văn bản nào của Cơ quan Nhà nước thì chủ đầu tư công chứng đầy đủ, còn những văn bản, hồ sơ hoàn công do chủ đầu tư phát hành thì chủ đầu tư đóng dấu để chuyển tới Ban quản trị đề nghị bàn giao.
“Chúng tôi đã có đến 11 văn bản đề nghị Ban quản trị chung cư B6 Giảng Võ làm việc để nhận bàn giao, nhưng Ban quản trị tại đây luôn đưa ra lý do “không có hồ sơ gốc” để không thực hiện”, đại diện Tổng Công ty 36 bức xúc nói.
Làm “khổ” cả Chủ đầu tư
Liên quan đến sự việc này, theo tìm hiểu của phóng viên, sau 11 lần đề nghị bàn giao bất thành, ngày 05/12/2023, Tổng Công ty 36 cũng đã có văn bản kiến nghị gửi trực tiếp Bí thư Thành Ủy Hà Nội về việc tháo gỡ vướng mắc liên quan đến công tác bàn giao hồ sơ nhà chung cư giữa Chủ đầu tư và Ban quản trị, phân định diện tích sử dụng chung, sở hữu riêng tại nhà chung cư B6 – Giảng Võ.
Tại Công văn này, Tổng Công ty 36 cho biết, Dự án Cải tạo Chung cư cũ B6 Giảng Võ là dự án tiêu biểu, nằm trong 1% chung cư cũ ở Thành phố Hà Nội triển khai thành công sau 20 năm từ khi có ý tưởng, chủ trương của Nhà nước. Dự án đã cải tạo từ một chung cư với hiện trạng phức tạp, quản lý sử dụng đan xen, xuống cấp, nguy hiểm cho người dân thành một công trình hiện hữu có chất lượng đảm bảo, đầy đủ các chức năng đô thị cơ bản, cải thiện chất lượng sống, thời gian thi công xây dựng nhanh chóng.
Riêng với dự án Cải tạo chung cư cũ này, sau 13 năm kể từ khi phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện các công tác về quy hoạch, thủ tục đầu tư, Tổng công ty đã bổ sung nhiều vốn đầu tư, triển khai công trình bằng quyết tâm và trách nhiệm xã hội nghiêm túc, không phải là công trình nhằm thu lợi nhuận trên hết cho Nhà đầu tư.
“Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế khó khăn và khủng khoảng về bất động sản của cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước nói chung, việc Ban quản trị liên tiếp không phối hợp thực hiện các thủ tục bàn giao chung cư; Không nhận bàn giao đầy đủ các hồ sơ tài liệu; Không nghiên cứu kĩ các quy định của pháp luật và nhiều lần có những kiến nghị phản ánh không đúng về doanh nghiệp với các cơ quan chức năng không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hoàn thành dự án đối với Nhà đầu tư, kế hoạch đầu tư, kinh doanh, uy tín đối với cộng đồng của Tổng công ty 36-CTCP mà còn là nguy cơ tạo thành tiền lệ không tốt với với các dự án cải tạo chung cư cũ khác đang triển khai, khiến doanh nghiệp càng e dè trong đầu tư, nản lòng trong việc chung tay cùng chính quyền hoàn thành các mục tiêu cải tạo, kiến thiết diện mạo Thủ đô”, nội dung công văn của Tổng Công ty 36 nêu.
Quay trở lại chuyện Công ty TNHH Dịch vụ và Phát triển WI phải kêu cứu với những thiệt hại hiện hữu, dư luận đang băn khoăn khó hiểu rằng, không biết chuyện gì đang xảy ra ngay tại một quận trung tâm giữa Thủ đô Hà Nội?
Vì sao hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp ngang nhiên bị “cản trở” mà suốt thời gian qua chính quyền sở tại chưa xử lý? Vì sao đến chủ đầu tư dự án cũng phải “cầu cứu” vì bị một Ban quản trị “làm khó”?
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!