Vụ bản án “bất thường” tại TAND quận Ba Đình (Hà Nội): Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm
Với những căn cứ, tài liệu và nhiều tình tiết từ phía nguyên đơn đưa ra trong phiên tòa xét xử phúc thẩm tại TAND TP Hà Nội, HĐXX đã tuyên “Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm” của TAND quận Ba Đình…
Huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm
Theo đó, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Yêu cầu tuyên hợp đồng ủy quyền và hợp đồng thế chấp vô hiệu” liên quan đến Công ty Cổ phần An Sinh, Văn phòng công chứng Lạc Việt, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Ngân hàng MSB) và bà Trần Thị Đức, sau 1 tuần nghị án kéo dài bởi những căn cứ, tài liệu và các tình tiết cần phải xem xét, chiều 18/10/2023, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên “Hủy toàn bộ bản sơ thẩm và giao TAND quận Ba Đình giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm”.
Trước đó, vụ án này đã được TAND thành phố Hà Nội đưa ra xét xử từ 8h30 phút ngày 12/10/2023, với những diễn biến hết sức căng thẳng và phải đến 19h15 phút cùng ngày, phiên tòa mới kết thúc. Tuy nhiên, HĐXX nhận định có nhiều căn cứ, tài liệu cần phải xem xét kỹ nên HĐXX đã quyết định phải kéo dài thời gian nghị án. Đây là vụ án được cho là có nhiều dấu hiệu “bất thường” khi liên tục có đơn thư tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng về những vi phạm về hoạt động tố tụng trong quá trình xét xử vụ án tại TAND quận Ba Đình (TP Hà Nội).
Cụ thể, do bức xúc trước những nội dung được cho là “sai sự thật” trong quá trình giải quyết vụ án, ông N.V.T (địa chỉ tại 14-T1 Khu đô thị Ciputra, phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP Hà Nội) là người đại diện ủy quyền cho nguyên đơn đã có đơn tố cáo đích danh thẩm phán Đặng Quỳnh Chi – Chủ toạ phiên tòa đã có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, cố tình đưa vào bản án các nội dung thông tin sai sự thật, sửa đổi, thêm vào, bỏ qua tài liệu, chứng cứ làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc.
Đáng chú ý, một điểm bất thường ngay trong diễn biến xét xử vụ án này là quan điểm, ý kiến của đại diện Viện KSND TP Hà Nội mà theo các luật sư, phía nguyên đơn và người có quyền lợi liên quan nhận định là không khách quan, trái luật. Cụ thể theo các luật sư, Kiểm sát viên đã không thực hiện việc kiểm sát khi chấp nhận trái luật những tài liệu, chứng cứ mà phía Ngân hàng MSB giao nộp tại phiên tòa phúc thẩm.
Đại diện uỷ quyền của MSB có đủ tư cách tham gia tố tụng?
Trở lại phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 12/10/2023, ngay phần đầu phiên tòa buổi sáng, tại phần thủ tục kiểm tra căn cước người tham gia tố tụng phiên tòa phúc thẩm, đại diện ủy quyền cho nguyên đơn và người có quyền lợi liên quan cùng các luật sư đã “bất ngờ” đề nghị HĐXX xem xét tư cách tham gia tố tụng của 2 đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng MSB.
Cụ thể theo phía nguyên đơn, hồ sơ vụ án thể hiện 2 đại diện Ngân hàng MSB là ông Hoàng Mạnh Linh, bà Nguyễn Thị Việt được ông Bùi Đức Quang (chức danh Tổng giám đốc Ngân hàng quản lý tín dụng MSB) ủy quyền thông qua Giấy ủy quyền số 2192/2022/UQ -TGĐ12 ngày 04/4/2022. Tuy nhiên, ông Bùi Đức Quang không phải là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng MSB.
Bởi lẽ, theo lý giải của luật sư phía nguyên đơn, Giấy ủy quyền số 2192/2022/UQ -TGĐ12 ngày 04/4/2022 có viện dẫn đến Giấy ủy quyền số 3897/2020/UQ -TGĐ12 ngày 20/7/2020 của Tổng giám đốc Ngân hàng MSB (thời điểm này là ông Nguyễn Hoàng Linh) về việc ủy quyền cho ông Bùi Đức Quang khởi kiện, tham gia tố tụng và thi hành án. Nhưng trong hồ sơ vụ án hoàn toàn không có tài liệu này.
Sau khi nghe ý kiến phía nguyên đơn và các luật sư, Chủ tọa phiên tòa – Thẩm phán Trần Thị Thu Nam yêu cầu đại diện của bị đơn là Ngân hàng MSB trình bày ý kiến, yêu cầu xuất trình các văn bản ủy quyền thể hiện mình có quyền tham gia tố tụng. Tuy nhiên, ngay tại phiên tòa, đại diện của Ngân hàng MSB không xuất trình được các tài liệu chứng minh mình đủ tư cách được ủy quyền tham gia tố tụng.
“Hôm nay chúng tôi sơ xuất không mang theo nhưng đã nộp đầy đủ tại cấp sơ thẩm (bao gồm cả Giấy ủy quyền số 3897/2020/UQ -TGĐ12 ngày 20/7/2020 của Tổng giám đốc MSB)”, các đại diện Ngân hàng MSB nói.
Liên quan đến nội dung này, HĐXX phúc thẩm đã vào phòng nghị án để thảo luận yêu cầu của phía nguyên đơn và của các Luật sư. Sau khi thảo luận khoảng 30 phút, HĐXX đã trở lại phòng xét xử và công bố tài liệu theo yêu cầu của phía nguyên đơn. Đáng chú ý, trước khi HĐXX công bố, đại diện MSB đề nghị được lên cung cấp “bổ sung tài liệu” (Giấy ủy quyền 3897) nhưng không được HĐXX chấp thuận.
Tại phần công bố tài liệu, HĐXX chỉ công bố duy nhất Giấy ủy quyền số 2192/2022/UQ -TGĐ12 ngày 04/4/2022 do ông Bùi Đức Quang ký ủy quyền cho ông Hoàng Mạnh Linh và bà Nguyễn Thị Việt.
Nêu quan điểm về nội dung này, đại diện VKS cho rằng: “HĐXX đã công bố văn bản ủy quyền của ông Bùi Đức Quang cho ông Linh, bà Việt và một số văn bản của người có thẩm quyền ký cho ông Quang. Do đó, ông Linh, bà Việt đủ tư cách tham gia tố tụng”, đại diện VKS nêu quan điểm.
Vậy, một số văn bản của người có thẩm quyền ký ủy quyền cho ông Quang là những văn bản nào?Trong đó có văn bản số 3897/2020/UQ-TGĐ12 ngày 20/7/2020 không? Văn bản này có nội dung như thế nào? Có đúng pháp luật hay không và có được nộp cho TAND quận Ba Đình vào đúng thời điểm theo quy định hay không? Tại phiên tòa, nội dung này vẫn chưa được làm sáng tỏ. Vậy nhưng, đại diện Viện kiểm sát vẫn chấp nhận.
Không đồng ý về nội dung này, đại diện ủy quyền của bà Đức tiếp tục cho rằng: “Đại diện Viện kiểm sát đã cố tình thêm vào phần công bố của HĐXX, bởi lẽ HĐXX chỉ công bố Giấy ủy quyền số 2192/2022/UQ -TGĐ12 ngày 04/4/2022 chứ hoàn toàn không công bố thêm bất cứ tài liệu nào khác. Đồng thời ông Bùi Đức Quang không phải là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng MSB, hồ sơ bút lục sao chụp tại 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm cũng không có tài liệu nào chứng minh điều này, nên phiên tòa hôm nay, ông Linh, bà Việt không đủ tư cách tham gia tố tụng”, đại diện ủy quyền của bà Đức nêu ý kiến.
Tuy nhiên, căn cứ vào ý kiến, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, HĐXX đã không chấp nhận ý kiến của phía nguyên đơn. HĐXX cho rằng việc ủy quyền đã đầy đủ, ông Linh, bà Việt vẫn đủ tư cách tham gia phiên tòa.
Đáng chú ý, kết thúc phiên tòa phúc thẩm ngày 12/10/2023, kiểm sát viên đã đọc “bản ý kiến” mà các luật sư cho rằng đã chuẩn bị sẵn. Cụ thể, kiểm sát viên hoàn toàn bỏ qua các diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm. Trong phần phát biểu của mình, kiểm sát viên chỉ căn cứ vào các tài liệu do cấp sơ thẩm chuyển lên. Toàn bộ phần ý kiến của nguyên đơn và tranh luận của các bên về vấn đề: “Người đại diện Ngân hàng MSB tham gia phiên tòa là trái luât; Việc thụ lý yêu cầu phản tố đối với đơn phản tố của Ngân hàng MSB do ông Bùi Đức Quang ký là trái luật” đã hoàn toàn không được kiểm sát viên xem xét, đánh giá và cho ý kiến. Cuối cùng, quan điểm của kiểm sát viên là “y án sơ thẩm”.
Buổi chiều ngày 18/10/2023, sau một tuần dành thời gian nghị án xem xét các căn cứ, tài liệu, HĐXX do thẩm phán Trần Thị Thu Nam là chủ tọa phiên tòa đã tuyên đọc bản án phúc thẩm, xác định bản án sơ thẩm số 253/2022/DSST ngày 5-16/9/2023 của TAND quận Ba Đình đã có vi phạm về thủ tục tố tụng và nội dung vụ án. Do đó, HĐXX quyết định “Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và giao TAND quận Ba Đình giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm”.
Vậy, với những vi phạm được cho là nghiêm trọng về hoạt động tố tụng xảy ra tại TAND quận Ba Đình, trách nhiệm thuộc về ai? Vì sao đơn thư tố cáo suốt 5 tháng qua liên quan đến nội dung này vẫn chưa được giải quyết? Với câu hỏi này, Diễn đàn Doanh nghiệp xin chuyển tới đồng chí Chánh án TAND quận Ba Đình và sẽ tiếp tục thông tin chi tiết tới bạn đọc trong những bài viết sau.