Vốn ngoại kém tích cực, tiền cá nhân “cân” lực bán
Trong khi dòng vốn đầu tư vào quỹ cổ phiếu trên toàn cầu ghi nhận tích cực trong tháng 6, vốn ngoại ở thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rút ròng.
SSI Research cho biết trong tháng 6/2024, quỹ cổ phiếu toàn cầu bứt phá với dòng tiền vào ròng các quỹ đạt 49,7 tỷ USD trong tháng 6, tăng 12% so với tháng trước đó. Nnhiều chỉ số chứng khoán trên các thị trường ghi nhận mức tăng tốt trong tháng 6, đặc biệt là thị trường Mỹ. Tâm lý đầu tư chuyển biến tích cực nhờ hiệu ứng về chính sách tiền tệ, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân đã thúc đẩy dòng tiền chảy mạnh vào các quỹ cổ phiếu. Tính chung 6 tháng đầu năm, các quỹ cổ phiếu vào ròng 225,5 tỷ USD.
Quỹ trái phiếu và Quỹ thị trường tiền tệ cũng ghi nhận tiếp tục vào ròng tháng thứ 18 nhưng cường độ hạ nhiệt. Việc duy trì môi trường lãi suất cao giúp sức hút vẫn duy trì ở nhóm quỹ này, nhưng thông điệp dễ chịu hơn từ Fed và một số NHTW lớn trên thế giới đã bắt đầu cắt giảm lãi suất khiến cho dòng tiền chuyển hướng sang các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu và trái phiếu lợi suất cao. Tính chung 6 tháng đầu năm, các quỹ trái phiếu và quỹ thị trường tiền tệ lần lượt vào ròng 291,5 và 227 tỷ USD.
Dòng vốn vào quỹ cổ phiếu thị trường phát triển (DM) vào ròng 29,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, dòng vốn vào cổ phiếu thị trường đang phát triển (EM) hưởng lợi từ tâm lý đầu tư tích cực toàn cầu và vào ròng 12,4 tỷ USD trong tháng 6. Dòng vốn quay trở lại thị trường Trung Quốc (+9,2 tỷ USD) nhờ dòng tiền vào các quỹ ETF đa quốc gia. Bên cạnh đó, thị trường Ấn Độ vẫn thu hút dòng tiền trong tháng 5 (+3,9 tỷ USD), đặc biệt từ các quỹ chủ động. Các thị trường khác đều không quá nổi trội (trừ Đài Loan (+3,8 tỷ USD nhờ dòng tiền vào các Quỹ ETF nội và sức hút từ cổ phiếu Công nghệ). Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận rút ròng tháng thứ 6 liên tiếp với giá trị 186 triệu USD).
Trong khi vốn vào ròng ở các quỹ đầu tư ghi nhận trên thị trường toàn cầu, vốn ngoại ở thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam kém sắc hơn với tình trạng rút ròng tiếp diễn.
Cũng theo ghi nhận của SSI Reserch, các quỹ ETF tiếp tục đẩy mạnh rút vốn trong tháng 6, ghi nhận ở mức -3,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 2,5% tổng tài sản), với tâm điểm đến từ việc giải thể quỹ iShares Frontier.
Ước tính trong tháng 6, quỹ đã bán ra 100,4 triệu USD cổ phiếu Việt Nam, theo đó tổng giá trị cổ phiếu Việt Nam trong danh mục quỹ đã giảm từ 117,7 triệu USD vào 31/5 xuống 17,3 triệu USD vào 28/6. Tính từ đầu năm, các quỹ ETF đã rút ròng tổng cộng 15,7 nghìn tỷ, tương đương – 21% tổng tài sản vào cuối năm 2023, đưa tổng tài sản các quỹ ETF về 66 nghìn tỷ đồng.
Phần lớn các quỹ ETF chịu áp lực rút vốn trong tháng 6, tập trung nhiều nhất ở ba quỹ lớn là DCVFM VNDiamond (-1,07 nghìn tỷ), Fubon (-1,14 nghìn tỷ), và iShares Frontier (-2,36 nghìn tỷ), bên cạnh một số quỹ bị rút vốn với giá trị nhỏ hơn như Xtrackers FTSE (-183 tỷ), VanEck (-132 tỷ), SSIAM VNFin Lead (-117 tỷ). Điểm tích cực là quỹ DCVFM VN30 ghi nhận đảo chiều vào ròng từ nửa cuối tháng 6, bên cạnh quỹ KIM Growth VN30 tiếp tục đón nhận dòng vốn vào tích cực. Nhìn chung, với số lượng tài sản còn lại không còn quá lớn, cường độ rút ròng trong thời gian tới của các Quỹ ETF sẽ hạn chế hơn nhiều so với giai đoạn Quý 2, báo cáo Cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu tháng 6/2024 của SSI Research ghi nhận.
Quan sát của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI cũng cho biết, các quỹ chủ động có diễn biến kém tích cực trong tháng 6 và có hiện tượng dòng vốn rút ra ở các Quỹ chỉ đầu tư vào Việt Nam.
Cụ thể, các Quỹ chỉ đầu tư vào Việt Nam rút ròng khoảng 850 tỷ đồng và tương đối đồng đều, trong khi đó chỉ có một lượng ít các quỹ vào ròng trong tháng 6. Đối với các Quỹ đầu tư đa quốc gia, dòng vốn tiếp tục rút ròng mạnh trong tháng 6. Tính tổng chung, dòng tiền rút khoảng 1,9 nghìn tỷ đồng trong tháng 6 và đưa tổng mức rút ròng trong 5 tháng đầu năm lên tới hơn 6,3 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 1,7% tổng tài sản Quỹ.
Nhìn chung, với số lượng doanh nghiệp có thể đầu tư (investible) khá hạn chế, đặc biệt không có nhiều lựa chọn trong các ngành đang được quan tâm như ngành Công nghệ và các rủi ro về lãi suất và tỷ giá là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến dòng vốn vào Việt Nam ở giai đoạn hiện tại.
Theo ông Nguyễn Thanh Nguyên Vũ, nhà sáng lập TVN & Partners, xét theo điều kiện vĩ mô, dự báo xu hướng bán ròng của các tổ chức nước ngoài có thể giảm dần trong thời gian tới do: Thứ nhất, các tổ chức đã bán quá nhiều trong giai đoạn qua, vì vậy sẽ bớt đi lượng cổ phiếu cần bán phần nào. Thứ hai, chỉ số DXY có xu hướng giảm, không vượt quá mốc 106, 23 (đỉnh của DXY vào trung tuần tháng 4/2024, kể từ lúc đạt mức cao nhất vào mức cao nhất kể từ ngày 2/11 và lần cuối tăng 0,24% ở mức 106,20) và áp lực chênh lệch lãi suất giữa VND – USD sẽ ngày giảm, do đó nên nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ không tận dụng được lợi thế về chênh lệch lãi suất.
Một tín hiệu tích cực, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới đang ngày càng gần hơn khi các dữ liệu lạm phát và tăng trưởng kinh tế, việc làm… khởi sắc. Qua đó, càng giảm bớt áp lực chênh lệch lãi suất VND-USD.
Đối với tác động trên thị trường, ông Vũ cho rằng mặc dù khối ngoại bán ròng thời gian qua và cả tháng 6, nhưng vẫn không ảnh hưởng nhiều đến trụ đỡ chính của thị trường hiện tại là nhà đầu tư cá nhân. Nguyên nhân là khối ngoại bán mạnh chủ yếu trong rổ VN30 (bình quân 80% giá trị bán ròng của tổ chức nước ngoài trong thời gian vừa qua) và nhà đầu tư cá nhân mua vào. Theo đó, tổ chức nước ngoài bán mạnh nhưng giá cổ phiếu không điều chỉnh mạnh. Hay nói cách khác là tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước có khả năng là tham gia “cân deal” (cân bằng giao dịch giữa lực bán và lực mua) chứ không hẳn là bắt đáy.
“Điều chúng ta cần quan tâm là khi nhà đầu tư nước ngoài ngưng bán, thì liệu đây có phải là động lực tăng giá của cổ phiếu hay không? Và sẽ xuất hiện những rủi ro nào, nếu nguồn lực “cân deal” trở nên yếu đi trước lực bán không giảm?”, nhà sáng lập TVN & Partners lưu ý.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp