Vốn FDI đăng ký tăng trở lại
Trong tháng 7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), tính đến 20/7, có 1.627 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 75,5% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD (tăng 38,6% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, có 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 27,1% so với cùng kỳ) với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 4,16 tỷ USD (giảm 42,5% so với cùng kỳ). Trong mảng góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.627 giao dịch, tuy giảm 10,6% so với cùng kỳ nhưng tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,14 tỷ USD (tăng 60,7% so với cùng kỳ).
Về tiến độ giải ngân, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 0,3 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 10,93 tỷ USD, chiếm hơn 67,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 9,3% so với cùng kỳ. Đây cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 31,1%) và điều chỉnh vốn (chiếm 55%). Các vị trí tiếp theo vẫn thuộc về ngành kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ.
Hà Nội vẫn đang là địa phương dẫn đầu trong thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,76 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Với việc nhà đầu tư LG Innotek tại Hải Phòng tăng vốn thêm 1 tỷ USD không chỉ góp phần cải thiện rất lớn thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mà dự án này cũng góp phần đưa Hải Phòng đứng vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2 tỷ USD, chiếm hơn 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 96,5% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương,…
Trong thời gian tới, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dự kiến có nhiều tín hiệu khả quan và tích cực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã chia sẻ thông tin kế hoạch tăng cường hợp tác với Việt Nam về chuỗi cung ứng trên cơ sở đối tác toàn diện, tin cậy. Trong đó, đáng chú ý Mỹ muốn hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn và năng lượng tái tạo.
Như vậy, đến nay, Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này quan tâm tìm hiểu. Ngoài những tên tuổi lớn đã có mặt từ lâu như Samsung, Intel…, mới đây, Infineon Technologies AG – doanh nghiệp lớn trên thế giới về các giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT đã thông báo về việc mở rộng quy mô hoạt động, thành lập đội ngũ dự kiến có 25 nhân sự phát triển chip điện tử làm việc tại Hà Nội. Infineon Technologies AG kỳ vọng những nhân sự trên góp phần quan trọng đưa trung tâm tại Hà Nội trở thành trung tâm R&D tiêu chuẩn quốc tế như các trung tâm R&D khác của tập đoàn trên toàn cầu như trung tâm tại Munich (Đức), Villach (Áo), Bangalore (Ấn Độ) và Singapore.
Bên cạnh đó, một tên tuổi hàng đầu khác là tập đoàn bán dẫn Synopsys của Mỹ cũng đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam với hành động chuyển đầu tư và đào tạo kỹ sư sang Việt Nam. Các tập đoàn khác như USI Electronics của Đài Loan, Renesas Electronics của Nhật Bản đã có nhà máy được đặt tại Việt Nam.