Vì sao Nike “thích” Việt Nam?
Với số lượng lớn các nhà máy được đặt tại Việt Nam, không quá khi nói rằng Nike đang rất “thích” Việt Nam.
Là một trong những thương hiệu lớn nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới, “gã khổng lồ” đồ thể thao của Mỹ đang có sự gắn bó chặt chẽ với hầu hết các nền thể thao quốc tế. Tại World Cup 2022 vừa qua, Nike là nhà cung cấp trang phục thi đấu của các đội tuyển bao gồm Qatar, Ba Lan, Ả Rập Saudi, Brazil, Pháp, Croatia, Anh, Hà Lan, Hàn Quốc, Canada, Bồ Đào Nha, Mỹ và Úc.
Tuy nhiên, điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không có các hoạt động sản xuất khổng lồ mà Nike đã phát triển ở Đông Nam Á. Trong đó, đặc biệt phải kể đến vai trò của Việt Nam, nơi đã trở thành một thành phần thiết yếu trong chuỗi cung ứng của Nike.
Theo một báo cáo của CNBC cho biết, có đến 51% số lượng giày dép của Nike vào năm 2021 được sản xuất chỉ riêng tại Việt Nam. Và con số này tiếp tục tăng lên khi mà cho đến tháng 11 năm 2022, Nike đã tăng số lượng nhà cung cấp lên 155 từ con số 138 nhà cung cấp tại Việt Nam một năm trước đó.
Nên nhớ, các sản phẩm mang thương hiệu Nike hiện được cung cấp bởi 191 nhà máy sản xuất đặt tại 14 quốc gia trên toàn cầu thông qua hơn 15 nhà sản xuất hợp đồng độc lập. Nhìn vào con số trên, có thể thấy Việt Nam đang trở thành một cứ điểm toàn cầu lớn nhất của Nike. Tuy nhiên, vì sao Nike “thích” Việt Nam?
Nike đang sản xuất gì ở Việt Nam?
Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Dezan Shira & Associates, tất cả ba sản phẩm trụ cột của Nike đều được sản xuất tại Việt Nam bao gồm: giày dép, quần áo và thiết bị thể thao. Điều này cũng bao gồm cả các sản phẩm mang nhãn hiệu Converse và Nike.
Hiện tại, khoản đầu tư lớn nhất của Nike tại Việt Nam là may mặc với 71 nhà máy sản xuất hàng may mặc. Các nhà máy này chủ yếu nằm ở phía nam Việt Nam, tuy nhiên cũng có một số ít nằm rải rác trên khắp đất nước.
Ngoài ra, còn có 13 nhà máy sản xuất dụng cụ thể thao cho Nike với 11 nhà máy ở miền Nam và 2 nhà máy ở miền Bắc Việt Nam. Việt Nam cũng là nhà sản xuất chính của giày dép Nike với 13 nhà máy trên khắp đất nước sản xuất mọi thứ, từ giày chạy bộ đến giày thể thao.
Tổng cộng Nike hiện có 155 nhà máy tại Việt Nam trong danh sách các nhà cung cấp của mình. Phần lớn các nhà máy này ở miền Nam Việt Nam và chủ yếu là trong và xung quanh khu vực TP. Hồ Chí Minh.
Lý do Nike chọn Việt Nam?
Tất cả điều này được cho liên quan đến cơ sở hạ tầng và ưu thế về nguồn nhân lực tại khu vực miền Nam Việt Nam. TP. Hồ Chí Minh được biết đến là nơi có cảng lớn nhất Việt Nam. Tính đến năm 2019, Cảng Sài Gòn là cảng container lớn thứ 26 trên thế giới và lớn thứ 5 trong khu vực ASEAN. Hàng năm, các cảng tại đây đang đảm nhận khoảng 67% sản lượng hàng hóa qua cảng biển của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cách TP.HCM khoảng 80 km về phía Nam còn có Cảng Cái Mép-Thị Vải. Cảng Cái Mép-Thị Vải là cảng nước sâu, cho phép các tàu lớn hơn vận chuyển hàng hóa ra vào Việt Nam. Điều này có thể làm giảm đáng kể chi phí vận chuyển cho các nhà sản xuất. Nó cũng nằm ở vị trí thuận tiện gần Đồng Nai và Bình Dương, hai nơi có số lượng nhà máy của Nike cao nhất tại Việt Nam.
Ngoài ra, miền Nam Việt Nam là một trung tâm dệt may trong nhiều thập kỷ và hiện có lực lượng lao động dồi dào và có tay nghề tương đối cao trong sản xuất hàng may mặc. Nguồn lao động dồi dào và chi phí thấp này có thể tạo ra giá trị cao khi được quản lý và sử dụng đúng cách.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Giám đốc điều hành Tập đoàn Nike, ông Andy Campion đã chia sẻ tại cuộc làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm và làm việc tới Việt Nam năm ngoái. Ông cho rằng, mỗi năm tập đoàn này sản xuất khoảng 600 triệu đôi giày, trong đó có khoảng 300 triệu đôi giày đang được sản xuất tại Việt Nam, cùng với đó là 50% nguyên liệu cho chuỗi cung ứng toàn cầu của Nike cũng đến từ Việt Nam.
Với gần hai thập kỷ, Nike và Việt Nam đã trở nên gắn bó chặt chẽ với nhau trong một mối quan hệ hai bên cùng có lợi. Việt Nam hiện là một trung tâm sản xuất chính cho hàng hóa của Nike với hơn 530.000 lao động, trong khi Nike cũng tạo dựng cho mình một chuỗi cung ứng mạnh mẽ và tin cậy. Rất có thể, trong tương lai mối quan hệ này sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển mạnh hơn nữa.