Vì sao Hải Phòng hấp dẫn các doanh nghiệp châu Âu?
Hải Phòng là khu vực kinh tế năng động, một trong những điểm đến hấp dẫn và quan trọng đối với các nhà đầu tư Châu Âu.
Đại sứ Giorgio Aliberti – Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã phát biểu như vậy tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng hôm 20/4.
Ngoài việc hấp dẫn các nhà đầu tư Châu Âu về sự năng động, Hải Phòng còn gây ấn tượng với chỉ số PCI của mình trong những năm qua. Đặc biệt, năm 2021, 2022 Hải Phòng nằm trong top 3 các tỉnh, thành có thứ bậc xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao nhất cả nước.
Các thành viên Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đề cập đến quan hệ hợp tác với Hải Phòng trên nhiều lĩnh vực giữa hai bên; trao đổi một số nội dung liên quan tới cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh liên quan tới thực thi EVFTA,…
Ông Lê Tiến Châu – Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đang đặt mục tiêu trở thành thành phố quốc tế, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á, đi đầu cả nước trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, trên cơ sở đánh giá tiềm năng, thế mạnh và ưu tiên hợp tác chiến lược của cả hai bên, Bí thư Hải Phòng tin tưởng rằng, quan hợp tác giữa thành phố và các đối tác trong Liên minh Châu Âu trong tương lai còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển.
Cũng trong buổi tiếp xúc, Bí thư Hải Phòng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các Đại sứ tiếp tục là cầu nối quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Hải Phòng với các nước trong Liên minh Châu Âu, khuyến khích các doanh nghiệp Châu Âu quan tâm, tìm hiểu đầu tư các dự án chất lượng cao vào Hải Phòng. Về phía thành phố Hải Phòng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp của Liên minh Châu Âu đầu tư sản xuất, kinh doanh tại thành phố.
Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng cho biết, thông qua chuyến thăm và làm việc lần này tại Hải Phòng sẽ có những giải pháp kết nỗi hỗ trợ Hải Phòng trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, phát triển hạ tầng, logistics…
Theo ông Bruno Jaspaert – Giám đốc Điều hành KCN DEEP C Việt Nam, hiện KCN DEEP C tại Hải Phòng đã thu hút được một số nhà đầu tư công nghệ cao, trong đó có Pegatron và USI. Trong năm 2023, KCN DEEP C tại Hải Phòng cũng sẽ chào đón một nhà đầu tư mới đến từ Singapore, sản xuất các thiết bị liên quan đến spa, bồn tắm nước nóng công nghệ cao; một công ty sản xuất hợp kim cường độ cao; từng bước sẽ cố gắng hình thành một cụm công nghiệp điện tử như cụm công nghiệp ô tô mà doanh nghiệp đã có trước đây. Phía DEEP C đang chú trọng phát triển 2 cụm công nghiệp tại KCN DEEP C Hải Phòng II. Cụ thể là các ngành công nghiệp điện tử, công nghệ cao và các ngành liên quan đến bảo vệ môi trường, công nghệ bền vững trong tương lai.
Hiện nay, trong các KCN, KKT trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện có 18 dự án FDI của các nhà đầu tư EU với tổng số vốn đầu tư trên 160 triệu USD; ngoài các KCN, KKT trên địa bàn Hải Phòng còn có 32 dự án FDI của các nhà đầu tư EU với tổng vốn đầu tư 927,60 triệu USD.
Trong các dự án của các nhà đầu tư Châu Âu điển hình và sớm nhất tại Hải Phòng phải kể đến Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C là hệ thống các khu công nghiệp và cảng biển do nhà đầu tư Bỉ phát triển và vận hành tại thành phố Hải Phòng.
DEEP C khởi động với dự án phát triển khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng I (trước đây có tên gọi là Khu công nghiệp Đình Vũ) vào năm 1997, một mô hình hợp tác giữa nhà đầu tư Bỉ Rent-A-Port và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng.
Trong suốt 25 năm hình thành và phát triển, DEEP C đã liên tục mở rộng ra 3 khu công nghiệp ở Hải Phòng và 2 khu công nghiệp ở Quảng Ninh, hình thành nên Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C có diện tích 3.400 ha tại trung tâm phát triển cơ sở hạ tầng và sản xuất của khu vực, với vị trí gần kề cảng hàng không quốc tế, cảng nước sâu và hệ thống đường cao tốc.
Liên minh Châu Âu (the European Union, gọi tắt là EU) hiện bao gồm 27 nước thành viên, gồm: Áo, Bỉ, Bulgaria, Croatia, Cyprus, Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hi Lạp, Hungary, Ireland, Italia, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển. |