Vì sao các thương hiệu đi làm tạp chí?
Tạp chí ngỡ như đã bị các thương hiệu đưa vào quên lãng từ nhiều năm trước, thế nhưng gần đây nhiều thương hiệu đã đem tạp chí trở lại, nhưng với một cách thức mới hơn, và “ngách” hơn.
Cách đây không quá lâu, các thương hiệu như Asos, Bumble hay Casper đều cho ra những ấn phẩm tạp chí thương hiệu của mình, là một phần của các chiến lược tiếp thị. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, họ đã ngừng bán, hoặc ngừng xuất bản tạp chí. Chỉ còn một số ít được lưu hành.
Theo Polly Wong, chủ tịch công ty tiếp thị Belardi Wong, nguyên nhân là vì tạp chí không phải là cách hiệu quả để thúc đẩy doanh số.
Thế nhưng hiện nay một số thương hiệu, chẳng hạn Recess, Jones Soda hay Oatly đang trở lại với tạp chí. Nhưng họ chọn cách tiếp cận mới mẻ hơn, với tạp chí khổ nhỏ (zine) hoặc các ấn phẩm không thương hiệu, với mục đích tiếp cận đối tượng khán giả ngách để xây dựng cộng đồng thương hiệu thông qua các tương tác hữu cơ.
Bohb Blair, giám đốc tiếp thị của Jones Soda, có kinh nghiệm về những kiểu tạp chí như vậy khi anh từng hợp tác cùng Airbnb và Hearst để tạo nên tạp chí Airbnbmag được xuất bản từ năm 2017. Đến nay, anh đang triển khai cho ra mắt Mary Zine vào tháng này.
Blair chia sẻ rằng kinh nghiệm làm việc với Airbnb là nguồn cảm hứng rất lớn để anh cho ra đời Mary Zine. Tuy nhiên anh chọn hình thức zine, chứ không phải magazine, bởi vì mục đích anh làm ra tạp chí này khác với mục đích khi làm cùng Airbnb.
Theo đó, Mary Zine được thiết kế để người dùng cầm mang đi khi mua Mary Jones tại California. Những nội dung trong Mary Zine bao gồm thông tin cơ sở bán thuốc, các trang tô màu, danh sách phát, và những bài phóng sự ảnh. Mục tiêu của Mary Zine là để nhắc nhở người đọc về những tương tác tích cực của họ đối với thương hiệu.
Một điểm khác biệt nữa giữa Mary Zine và Airbnbmag mà Blair chỉ ra đó là đội ngũ thực hiện. Airbnb thì họ hợp tác với công ty xuất bản, tức là “gắn với cỗ máy kiếm tiền và xuất bản”. Còn Mary Zine thì Blair có đội ngũ nội dung nội bộ, giúp anh có nhiều quyền kiểm soát hơn trong những yếu tố như tầm nhìn sáng tạo, tần suất xuất bản và phân bổ ngân sách.
Trong khi đó, Oatly (một thương hiệu thực phẩm) đang thâm nhập vào thị trường ngách cà phê với tạp chí Hey Barista của mình. Hồi tháng 10, họ đã gửi 10.000 bản in đến những đối tác là quán cà phê độc lập tại Mỹ và Châu Âu. Đồng thời Hey Barista cũng được xuất bản trên mạng.
Mary-Kate Mele Smitherman, giám đốc truyền thông cấp cao của Oatly, chia sẻ rằng tạp chí không chỉ là thứ để truyền tải những câu chuyện thú vị, mà đó còn là diễn đàn để các nhiếp ảnh gia, họa sĩ minh họa và nhà văn trong cộng đồng pha chế trình diễn tác phẩm của họ.
Còn Jeremy Elias, tổng biên tập toàn cầu của Oatly, nói rằng tuy tạp chí là cuộc đối thoại của cộng đồng cà phê, thế nhưng người ngoài vẫn có thể lắng nghe.
Trong cả Mary Zine và Hey Barista, Blair và Elias đều nhất trí quan điểm là không được tập trung quá nhiều vào xây dựng thương hiệu. Chẳng hạn logo Oatly không xuất hiện trên Hey Barista, thương hiệu cũng chỉ được đề cập trong những thư ngỏ từ ban biên tập xung quanh việc tài trợ và trang cuối cùng.
Và khi được hỏi về hiệu quả xây dựng thương hiệu từ tạp chí, thì Elias cho rằng “vẫn xây dựng được một chút từ các yếu tố không thương hiệu”. Tuy nhiên mục đích chính của Hey Barista vẫn là “kết nối và tạo mối liên hệ đến thế giới cà phê”, mang Oatly đến những người chưa bao giờ được trải nghiệm.
Theo bà Mele Smitherman, hiện tại Oatly vẫn chưa biết chính xác Hey Barista sẽ phát triển ra sao. Thế nhưng nếu thành công, họ sẽ tài trợ thêm nhiều số nữa.
https://diendandoanhnghiep.vn/vi-sao-cac-thuong-hieu-di-lam-tap-chi-234965.html