Vì sao các NHTW châu Á bắt đầu tách khỏi FED?
Các ngân hàng trung ương (NHTW) châu Á đang hướng tới sự độc lập tiền tệ với mong muốn thúc đẩy nhu cầu nội địa và có khả năng duy trì sự ổn định tài chính.

Ngày 18/2, Ngân hàng Dự trữ Australia đã giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm khi áp lực lạm phát tiếp tục giảm bớt, giúp ngân hàng trung ương nước này tự tin hơn rằng lạm phát đang tiến dần tới mức mục tiêu 2-3%
Đầu tháng này, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng hạ lãi suất lần đầu tiên sau gần 5 năm mặc dù lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 4%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ được dự báo sẽ chậm lại xuống mức thấp nhất trong 4 năm, còn 6,4% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 3, giảm so với mức 8,2% của năm tài chính trước.
Trên thực tế, ngoại trừ Malaysia, Việt Nam và Đài Loan, tất cả các nền kinh tế khác trong khu vực đều đã giảm lãi suất kể từ tháng 8 năm ngoái, khi Ngân hàng Dự trữ New Zealand bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ khi nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Quốc gia duy nhất đi theo hướng ngược lại là Nhật Bản, nơi đang bình thường hóa chính sách tiền tệ sau nhiều năm duy trì các điều kiện tài chính siêu nới lỏng.
Theo Nicholas Spiro, chuyên gia tại Lauressa Advisory, một công ty tư vấn bất động sản và kinh tế vĩ mô chuyên nghiệp có trụ sở tại London, làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ trên khắp châu Á đáng chú ý vì một số lý do.
Như Bank of America đã lưu ý: “Từ lâu đã có nhận thức rằng các ngân hàng trung ương ở châu Á có xu hướng điều chỉnh theo chu kỳ chính sách tiền tệ của FED”.

Việc cắt giảm lãi suất, đặc biệt là trong năm nay, thậm chí còn gây chú ý hơn khi FED quyết định tạm dừng cắt giảm lãi suất từ nhiều tháng nay, chủ yếu do lo ngại về tác động lạm phát từ các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thị trường hiện chỉ kỳ vọng một lần giảm lãi suất của FED trong năm nay. Một số ngân hàng Phố Wall thậm chí cho rằng FED đã kết thúc chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ và có thể sẽ phải bắt đầu tăng lãi suất trở lại.
Sở dĩ các NHTW châu Á tiếp tục cắt giảm lãi suất do tỷ lệ lạm phát trên khắp châu Á đã giảm mạnh trong 2 năm qua và không còn là mối quan tâm lớn đối với các nhà hoạch định chính sách, ngoại trừ Nhật Bản.
Nhóm chuyên gia của Bank of America lưu ý rằng giá cả ở hầu hết các quốc gia hiện đang nằm trong phạm vi mục tiêu của các ngân hàng trung ương. Ngược lại, tại Mỹ, lạm phát cơ bản vẫn cao hơn mục tiêu của FED, trong khi kỳ vọng lạm phát tăng mạnh do những đe dọa áp thuế của ông Trump.
Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách châu Á ít quan tâm hơn đến tác động lạm phát của các loại tiền tệ yếu. Dữ liệu từ HSBC cho thấy mối tương quan giữa lạm phát cơ bản và tỷ giá hối đoái ở các nền kinh tế châu Á khác nhau đáng kể và khá yếu ở nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, không phải lạm phát, tăng trưởng yếu mới là lo ngại chính. Các chu kỳ kinh tế ở Mỹ và châu Á đã có sự đồng bộ hơn trong các chu kỳ chính sách trước đây. Hiện nay, nhu cầu trong nước ở Mỹ vẫn mạnh mẽ, trong khi những vết nứt đã xuất hiện trong chi tiêu nội địa ở một số nền kinh tế Nam Á, một phần là do điều kiện tài chính chặt chẽ.
Châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu nên có nhiều rủi ro hơn từ các mức thuế cao hơn so với Mỹ, vốn dựa vào tiêu dùng. Sự phụ thuộc vào thương mại quốc tế đặc biệt mạnh mẽ ở Đông Nam Á.
Theo báo cáo được công bố vào năm ngoái bởi Bain & Company, DBS và Hội đồng Angsana, khối lượng thương mại chiếm 89% sản lượng kinh tế của khu vực trong giai đoạn 2013-2023, cao hơn đáng kể so với 34% ở Trung Quốc, 30% ở Ấn Độ và 17% ở Mỹ.
Quan trọng nhất, hầu hết các nền kinh tế châu Á đã đạt được quyền tách rời, hoặc ít nhất là phân kỳ, khỏi chính sách tiền tệ của Mỹ. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, các chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt đã được áp dụng, các nền tảng tài khóa được cải thiện, các chính sách vĩ mô và kiểm soát vốn đã được sử dụng hiệu quả, và quy trình hoạch định chính sách trở nên đáng tin cậy và minh bạch hơn.
Đặc biệt, các NHTW châu Á có nhiều công cụ hơn để duy trì sự ổn định tài chính, tạo cho họ nhiều không gian hơn để tách khỏi tác động từ FED.
Năm ngoái, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, lãi suất của Mỹ có tác động mạnh đến tình hình tài chính của châu Á. Tuy nhiên, họ cũng thúc giục các NHTW của khu vực tránh đưa ra quyết định chính sách của họ quá phụ thuộc vào các động thái dự kiến của FED.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp